Theo ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Eastspring Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam, thị trường tài chính thế giới cũng đang ở chu kỳ các loại lãi suất đều giảm mạnh. Ảnh minh họa.

Danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đa phần là trái phiếu, việc lãi suất giảm sâu chưa ảnh hưởng lập tức tới thu nhập công ty bảo hiểm, nhưng số trích lập dự phòng phải tăng ngay.

Theo Báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu chính phủ tháng 11/2019 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất trúng thầu trái phiếu chính phủ giảm mạnh trong tháng 10/2019 tại tất cả các kỳ hạn, đặc biệt tại kỳ hạn dài 20 – 30 năm.

Cụ thể, lãi suất trúng thầu ghi nhận ở mức ở 2,85%/năm; 3,00%/năm; 3,58%/năm; 3,76%/năm; 4,32%/năm và 4,65%/năm cho các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách Xã hội không huy động trái phiếu trong tháng này.

Tháng 11, lợi suất trái phiếu chính phủ ở các kỳ hạn tiếp tục giảm nhẹ hoặc đi ngang trong biên độ hẹp.

Lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục đà giảm ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ?

Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhận định, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm tất nhiên sẽ có tác động đến doanh nghiệp bảo hiểm, vì các doanh nghiệp phải trích lập dự phòng rủi ro.

Tuy nhiên, mức độ tác động có thể sẽ không nặng nề như năm 2018, bởi Bộ Tài chính đã điều chỉnh cách tính lãi suất dùng để tính dự phòng nghiệp vụ (Bộ Tài chính đã sửa đổi Thông tư 50 về trích lập dự phòng giảm gánh nặng dự phòng toán học của các công ty bảo hiểm nhân thọ).

“Nhưng nếu lãi suất trái phiếu tiếp tục giảm sâu, các công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ lại gặp khó, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm trước đây bán nhiều sản phẩm hỗn hợp. Còn các sản phẩm liên kết đầu tư (UL) ít bị ảnh hưởng hơn, trừ khi lãi suất xuống dưới 3%/năm”, vị đại diện trên nói.

Ðược biết, lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình là một tham số được sử dụng trong tính toán dự phòng toán học và lãi suất trái phiếu chính phủ trung bình càng thấp, chi phí dự phòng toán học càng cao.

Chính vì thế, bên cạnh các giải pháp của nhà quản lý, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm thời gian qua cũng đã có sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, đặc biệt là việc đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm ít phụ thuộc vào sự biến động của lãi suất.

Thậm chí, với một số sản phẩm đang bán, công ty bảo hiểm cũng phải sửa đổi cho phù hợp hơn với diễn biến lãi suất trên thị trường.

Cụ thể, từ giữa năm 2018, các công ty bảo hiểm cũng chủ động đẩy mạnh việc bán bảo hiểm liên kết đầu tư và giảm bán sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nhằm giảm áp lực chi phí trích lập dự phòng rủi ro cho các sản phẩm này theo Thông tư  50/2017/TT-BTC.

Nửa đầu năm 2019, theo số liệu của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 70,89% doanh thu phí khai thác mới.

Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp, chiếm tỷ trọng 13,67%; bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 2,55%; doanh thu phí bảo hiểm bổ trợ chiếm tỷ trọng 10,57%…

So với cùng  kỳ năm ngoái, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư tăng 49,53%, nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp giảm 37,75%…

Theo ông Ngô Thế Triệu, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Eastspring Việt Nam, không chỉ ở Việt Nam, thị trường tài chính thế giới cũng đang ở chu kỳ các loại lãi suất đều giảm mạnh.

Các tập đoàn tài chính ở các quốc gia cũng luôn phải tìm giải pháp để tăng tổng tài sản của khách hàng và tái cấu trúc danh mục đầu tư là một phương án.

Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam kỳ hạn 10 năm chỉ còn khoảng 3,7%/năm – mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay.

Các mức lãi suất này có giảm hay không khó có thể đoán trước, chính vì thế tất cả các công ty đều phải nghiên cứu các loại thị trường khác nhau để đầu tư tăng lợi nhuận, chẳng hạn như việc chuyển hướng sang trái phiếu doanh nghiệp và các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu… để tăng cường lợi nhuận.

Phút thứ 89: Tập đoàn bảo hiểm Nhật Bản MS&AD và Manulife đang cạnh tranh quyết liệt mua lại các đơn vị tại châu Á của Aviva

Bảo hiểm sẽ bị xử phạt nếu làm lộ thông tin khách hàng

Xử lý tội danh trục lợi bảo hiểm: Có luật, nhưng không dễ áp dụng

Gia Linh

Theo ĐTCK

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây