Cả ngư dân lẫn chính quyền địa phương đều thống nhất quan điểm đề nghị Công ty Bảo hiểm PJICO sớm bán lại bảo hiểm để ngư dân ra khơi. Tuy nhiên, đại diện PJICO chi nhánh Bình Định cho biết đang kiến nghị lên Tổng công ty.
Chiều qua (29/11), ông Trần Văn Phúc, Phó Giám Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã chủ trì cuộc họp giải quyết các vướng mắc liên quan trong việc mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ đối với ngư dân Bình Định.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, có 29 tàu đóng mới theo Nghị định 67 đã hết hạn bảo hiểm nhưng chưa được mua lại nên không thể vươn khơi đánh bắt. Nhiều tàu vỏ thép với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng đang nằm “đắp chiếu” tại các cảng cá, do công ty bảo hiểm ngừng bán bảo hiểm.
Trong khi đó, ngư dân phản ánh, gần 3 tháng nay tàu cá của họ phải nằm bờ vì Công ty Bảo hiểm PJICO chi nhánh tại Bình Định (PJICO Bình Định) bất ngờ ngừng bán bảo hiểm tàu cá. Ngư dân nói rằng, do không mua được bảo hiểm nên bị ngân hàng “trói lại”, không cho ra khơi với lý do nếu xảy ra rủi ro không được đơn vị thứ 3 hỗ trợ.
Tại cuộc họp đại diện chính quyền địa phương như Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, TP Quy Nhơn… cũng như các chủ tàu 67 tham dự cuộc họp đều cho rằng, công ty bảo hiểm ngừng bán bảo hiểm đang làm khó ngư dân, đẩy ngư dân vào đường cùng của nợ nần.
Ông Nguyễn Văn Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Nếu các chủ tàu hết hạn bảo hiểm thì PJICO phải bán bảo hiểm cho ngư dân, còn nếu không bán thì phải cho biết rõ lý do bằng văn bản để các chủ tàu biết. Trên cơ sở đó để ngư dân có những giải pháp tiếp theo. Không có bảo hiểm thì tàu cá không đủ điều kiện để xuất bến khai thác, có nghĩa không có điều kiện trả nợ ngân hàng cũng như kinh tế của gia đình”.
Tàu vỏ thép của ngư dân Lê Văn Thãi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) được đóng với số tiền hơn 18 tỷ đồng, hạ thủy năm 2016 ra khơi đánh bắt được vài chuyến thì hư hỏng phải nằm bờ chờ khắc phục, đến năm 2018 mới đánh bắt ổn định. Thế nhưng, hơn 3 tháng gần đây tàu này vẫn nằm phơi nắng mưa ở cảng cá Đề Gi.
“Đóng được tàu vỏ thép ra khơi thì ngư dân luôn kỳ vọng sẽ đánh bắt hiệu quả hơn tàu vỏ gỗ, cho năng suất cao hơn trước. Nhưng rồi do công ty đóng tàu làm ăn gian dối để hư hỏng nên chúng tôi mới sa cơ như bây giờ. Giờ tàu đã được công ty đóng tàu khắc phục nhưng công ty bảo hiểm họ “né” không dám bán bảo hiểm vì rủi ro cao”, ông Hóa nói.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Công ty PJICO Bình Định cho biết, đến nay đơn vị đã thu thập hồ sơ của 12/28 tàu gửi về Tổng công ty Bảo hiểm PJICO (trụ sở Hà Nội) để xin ý kiến.
“Tuy nhiên, phía Tổng công ty vẫn chưa trả lời phương án xử lý như thế nào nên chi nhánh chưa thể quyết định được. Chúng tôi chỉ là công ty con nên chỉ biết kiến nghị, chứ không còn cách nào khác”, vị này nói.
Không hài lòng với cách trả lời của phía đại diện Bảo hiểm PJICO Bình Định, ngư dân Lê Văn Thãi tỏ ra khá bức xúc: “Bảo hiểm thì hết hạn, tàu thì nằm bờ dài, nguồn thu nhập kinh tế không có khiến ngư dân đang rất khốn đốn. Nhiều lúc nhà không có gạo mà ăn. Chúng tôi đề nghị công ty bảo hiểm phải trả lời dứt khoát, chừng nào thì bán bảo hiểm lại cho ngư dân. Còn không để bà con chúng tôi còn biết đường vay vốn bên ngoài sửa sang lại tàu để ra khơi đánh bắt, trả nợ ngân hàng. Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa, cứ chờ theo cách thế này thì có chết đói”.
Về việc này, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho rằng, hiện nay vướng mắc lớn nhất là tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 không thể mua được bảo hiểm để vươn khơi đánh bắt, điều này khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
“Hiện tại, có 29 tàu chưa mua được bảo hiểm, đối với tàu 67 vì có vốn vay ngân hàng nên bắt buộc phải mua bảo hiểm trước khi vươn khơi. Đề nghị phía Bảo hiểm PJICO cần có trả lời dứt điểm có bán bảo hiểm cho ngư dân hay không. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh Bình Định để có hướng giải quyết cho ngư dân vươn khơi đánh bắt, trả nợ ngân hàng”, ông Phúc cho hay.
Luật sư phân tích những bất cập trong quy chế bảo hiểm mới ban hành của PVN
Myanmar: Giấy phép bảo hiểm chính thức được cấp cho các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài
Doãn Công