Để đóng tàu xa bờ theo nghị định 67, ngư dân Quảng Bình đã vay các ngân hàng gần 1.000 tỷ đồng, đến nay số tiền dư nợ tại các ngân hàng vẫn lên đến gần 900 tỷ, trong đó nợ xấu chiếm đến 42,47%.
Ngày 8/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Quảng Bình cho biết, thực hiện việc cho vay vốn đóng tàu xa bờ theo Nghị định 67, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân 988,9 tỷ đồng.
Đến nay, số dư nợ vẫn còn 883,9 tỷ đồng, trong đó nợ xấu lên đến 375 tỷ đồng, chiếm 42,47% dư nợ cho vay; nợ gốc quá hạn 47 tỷ đồng, chiếm 5,36% dư nợ cho vay theo chương trình và số nợ lãi quá hạn là 22 tỷ đồng.
Nguyên nhân dư nợ dẫn đến nợ xấu là do nhiều chủ tàu tại Quảng Bình hiện nay gặp khó khăn trong đánh bắt, nhiều tàu cá thường xuyên hư hỏng nằm bờ.
Cơ quan chức năng Quảng Bình đánh giá nguyên nhân dẫn đến hàng chục tàu 67 hoạt động không hiệu quả có nhiều yếu tố. Trong đó, việc thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần, chất lượng một số tàu chưa đảm bảo. Quy định của bảo hiểm về bồi thường ngư lưới cụ cho ngư dân có bất cập.
Nhiều chủ tàu cố tình không trả nợ đúng hạn, dấu nguồn thu sau mỗi chuyến đi biển, thường xuyên báo lỗ, hoặc sử dụng nguồn thu vào các mục đích khác. Cá biệt, một số chủ tàu cá không hợp tác gây khó khăn trong việc xử lý thu hồi nợ.
Trước đó, thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tỉnh Quảng Bình phê duyệt và triển khai hoàn thành đóng mới 88 tàu cá. Trong đó có 56 tàu vỏ gỗ, 1 tàu vỏ composite, 31 tàu vỏ thép. Ngư dân địa phương đã sử dụng tàu cá để hành nghề chụp mực, lưới vây, nghề kéo rê và dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển.
47 chủ tàu nợ quá hạn ngân hàng 225 tỷ đồng
Gặp khó trong bán bảo hiểm tàu cá, vì sao?
Bốn rủi ro địa chính trị có thể làm tê liệt bảo hiểm hàng hải, báo cáo mới nhất của IUMI
Tiến Thành