Để thành công với Insurtech, các doanh nghiệp bảo hiểm không thể xem đây chỉ là xu hướng mà phải xây dựng được những chiến lược đầu tư dài hạn cả về nhân sự lẫn công nghệ, thậm chí phải chấp nhận tình trạng rất lâu mới có được doanh thu.
Insurtech mang lại cơ hội thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng sự khác biệt trên thị trường cho các doanh nghiệp bảo hiểm, tuy nhiên, đi kèm đó là những thách thức nhất định. Chính vì vậy, việc nhận diện đầy đủ những tác động và khó khăn của Insurtech sẽ giúp cho các doanh nghiệp bảo hiểm định hướng được đúng chiến lược kinh doanh để chủ động hơn trong xu thế Insurtech của toàn cầu và khu vực.
Thực tế, sự thay đổi quá nhanh của công nghệ khiến cho nhiều cơ quan quản lý lúng túng trong điều hành các sản phẩm và cách thức hoạt động của Insurtech. Các sản phẩm của Insurtech thường mang tính mới lạ, khác biệt với mục tiêu thay đổi nhằm mang đến trải nghiệm dịch vụ hoàn toàn mới cho khách hàng. Tuy nhiên, vì quá mới lạ, ngay cả các cơ quan quản lý cũng bối rối khi xác định xem đó có được coi là một sản phẩm bảo hiểm hay không.
“Chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian thay đổi tên sản phẩm cho phù hợp và chứng minh sản phẩm đang bán thuộc nghiệp vụ nào”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.
Mặt khác, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, ngày càng nhiều mô hình khởi nghiệp (start up) về bảo hiểm xuất hiện trên thị trường. Các start-up bắt tay với doanh nghiệp bảo hiểm truyền thống trong việc cung cấp sản phẩm đến khách hàng, qua đó chính thức trở thành các công ty môi giới bảo hiểm. Kinh doanh bảo hiểm nhưng lại không trực thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính, các start-up có thể trở thành một trong các lý do khiến khâu quản lý mảng Insurtech của giới chức trở nên lỏng lẻo.
Bảo hiểm là ngành dịch vụ đặc thù yêu cầu cao về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của nhân sự, chính vì vậy những nhân sự giỏi về bảo hiểm cũng đồng thời là những người đã hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này. Do đó việc tiếp cận với công nghệ sẽ khó khăn hơn so với giới trẻ. Ngược lại, những người trẻ có hiểu biết về công nghệ, dễ dàng tiếp cận và tiếp thu cái mới, có khả năng phát triển Insurtech thì lại không có hiểu biết sâu sắc về các sản phẩm bảo hiểm.
Do đó, trong giai đoạn “giao thoa” giữa thời đại bảo hiểm 4.0 và bảo hiểm truyền thống, nhiều doanh nghiệp vẫn phải “nuôi” song song 2 tuyến nhân sự: Những người có kinh nghiệm triển khai bảo hiểm sẽ phối hợp với những bạn trẻ mạnh về công nghệ để đưa ra những sản phẩm vừa đảm bảo công nghệ hiện đại, vừa tuân thủ theo đúng quy định về bảo hiểm. Đây cũng là lý do chi phí nhân sự xây dựng sản phẩm bảo hiểm cho môi trường 4.0 sẽ tăng gấp đôi so với thông thường.
Ngoài ra, mặc dù công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển Insurtech, nhưng thực tế, hiện nay, ở các doanh nghiệp bảo hiểm, công nghệ mới chỉ chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý số liệu. Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư sang phát triển các ứng dụng bán bảo hiểm trực tuyến. Tuy nhiên, các ứng dụng này lại chưa phát huy được hết hiệu quả do khách hàng chưa có nhu cầu sử dụng, mà nguyên nhân nằm ở hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp bảo hiểm đã phải tính đến việc đa dạng hóa các tính năng của ứng dụng như liên kết với các ví điện tử hay tạo ra một môi trường trực tuyến mua bán các sản phẩm khác bên cạnh sản phẩm bảo hiểm. Vậy nhưng, đây vẫn là một nhiệm vụ khó khăn khi đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nguồn lực lớn đáp ứng được chi phí đầu tư cao và thời gian đầu tư kéo dài.
Đòi hỏi cao về nhân sự và công nghệ, trong khi lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm lại không cao khiến cho việc đầu tư dài hơi vào Insurtech trở thành trở ngại rất lớn. Có những doanh nghiệp đã phải mất 5 năm mới đạt được những kết quả như hiện nay.
Ẩn số thử nghiệm các mô hình đại lý bảo hiểm mới
Nhân viên làm sai, Cty Dai-ichi Life chối bỏ trách nhiệm khách hàng?
Chờ hướng dẫn thi hành dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
ĐTCK