TOYOTA, Unilever, Barclays, Amazon, Tata. Có tới 71,000 công ty niêm yết trên toàn thế giới, nhưng chỉ có vài trăm công ty được nhiều người biết đến dù chỉ một chút thông tin ít ỏi. Schumpeter, cha đẻ của lý thuyết kinh tế cạnh tranh của Mỹ, muốn đề xuất hai ứng cử viên thuộc về châu Á: đó là AIA và Prudential PLC. Hai công ty này đều vượt qua các chỉ tiêu kiểm nghiệm quan trọng. Cả hai đều có quy mô lớn, với giá trị thị trường tổng cộng lên tới 160 tỷ USD. Hai công ty đều rất đặc biệt, có lợi nhuận tăng trưởng nhanh hơn so với hai phần ba các công ty niêm yết trên toàn thế giới trong thập kỷ qua. Cả hai đều phát triển thịnh vượng trong bối cảnh nhiều rủi ro, tồn tại qua nhiều cuộc chiến tranh, cuộc cách mạng ở Thượng Hải, quá trình phi thực dân hóa, và cuộc khủng hoảng tài chính lớn chưa từng thấy ở Phố Wall vào năm 2008. Và hai công ty này là minh chứng cho một xu hướng đang nổi lên trên toàn cầu: sự trỗi dậy của châu Á là một lực lượng hùng mạnh – có lẽ sẽ trở thành lực lượng thống trị – trong ngành công nghiệp tài chính toàn cầu của thế giới.
AIA và Pru là những chuyên gia trong việc giúp người châu Á tiết kiệm thông qua các sản phẩm bảo hiểm dài hạn, điển hình là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Hai tập đoàn này có hoạt động trải dài trên 20 quốc gia khắp châu Á, có hơn 60 triệu khách hàng và sử dụng gần một triệu đại lý để bán các sản phẩm bảo hiểm của mình. Hai công ty đều là những nhà đầu tư lớn trong các thị trường tài chính địa phương. Và cả hai đều là những công ty được hưởng lợi từ các xu hướng thị trường đang phát triển mạnh mẽ. Tầng lớp trung lưu của châu Á đang phát triển nhanh nhưng đồng thời lại có xu hướng gửi tiết kiệm bằng tiền mặt. Các chương trình phúc lợi ở cấp quốc gia chưa cung cấp được một mạng lưới an toàn đầy đủ nếu các thành viên trong gia đình bị bệnh tật hoặc tử vong. Một giải pháp rõ ràng cho vấn đề này là bảo hiểm, nhưng tổng doanh thu phí bảo hiểm hàng năm mới chỉ đạt 2.5% GDP ở các thị trường châu Á mới nổi, so với tỷ lệ 5% ở các thị trường Tây Âu phát triển hơn.
Tuy nhiên, điều gì hợp lý không có nghĩa là sẽ dễ dàng đạt được. Cả hai công ty đều đã phải trải qua một cuộc hành trình phát triển gian nan. AIA được thành lập tại Thượng Hải vào năm 1919 bởi một doanh nhân ưa mạo hiểm có tên là Cornelius Vander Starr, và sau đó được sát nhập vào AIG, một tập đoàn tài chính khổng lồ của Mỹ đã được chính phủ Mỹ giải cứu trong cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008. AIA sau đó được tách ra vào năm 2010. Pru được thành lập vào năm 1848 để phục vụ nhu cầu bảo hiểm của tầng lớp trung lưu nước Anh. Báo cáo thường niên của Pru cách đây ba thập kỷ chỉ nhắc đến châu Á đúng một lần. Nhưng vào những năm 1990, Pru đã nhớ ra rằng mình có một số hoạt động kinh doanh trong khu vực châu Á là tàn dư còn sót lại của thời thuộc địa, và đã cử Mark Tucker, một cán bộ điều hành trẻ tuổi, đến khu vực này để điều tra. Mark Tucker đã châm tia lửa điện đầu tiên trong cuộc trỗi dậy của Prudential châu Á và sau này bản thân ông đã trở thành người đứng đầu của Pru và sau đó là người đứng đầu của AIA, và hiện tại là chủ tịch của ngân hàng toàn cầu HSBC – một trong những cán bộ điều hành cao cấp được coi là những ngôi sao sáng đã từng kinh qua việc điều hành ngân hàng khổng lồ này. Ông Tidjane Thiam, người hiện tại đứng đầu ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse, đã từng là CEO của Pru trong giai đoạn 2009-2015.
Mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là một nhiệm vụ khó khăn. Công ty bảo hiểm sẽ phải chi tiền mặt ngay từ những ngày đầu cho công tác tiếp thị, tuyển dụng đại lý và phải đảm bảo có một khoản tiền mặt ký quỹ dưới hình thức vốn dự phòng. Lợi nhuận được tích lũy qua nhiều thập kỷ: 67% lợi nhuận chưa chiết khấu của AIA từ các hợp đồng bảo hiểm sẽ được hưởng chỉ sau năm 2038. Tại châu Á, mỗi thị trường quốc gia tăng trưởng theo thời gian nhưng vẫn trải qua nhiều biến động, trung bình cứ ba năm có tăng trưởng thì lại bị sụt giảm trong một năm. Các đồng tiền bản tệ liên tục biến động về giá trị. Ngành công nghiệp bảo hiểm là ngành có độ phân tán cao – có ít nhất 100 công ty bảo hiểm nhân thọ hoạt động trên khắp châu Á. Luôn luôn có một đối thủ nào đó tìm cách châm ngòi để thổi bùng một cuộc chiến hạ phí bảo hiểm nhằm cạnh tranh và giành giật thị phần.
Cả hai công ty đều đã tìm ra cách để đối phó. Họ có sự đa dạng về mặt địa lý. Các thị trường như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan đều lần lượt trải qua sự bùng nổ về tăng trưởng từ năm 2008, để rồi sau đó lại chững lại. Từ năm 2015 đến năm 2017, thị trường Hồng Kông cất cánh khi người Trung Quốc đại lục đổ xô về Hồng Kông để mua các sản phẩm bảo hiểm được bảo vệ bởi một lãnh thổ có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, nhưng từ đó đến nay sự tăng trưởng này đã đạt đến điểm bão hòa. Giờ đây các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc đại lục đang tăng trưởng trở lại một lần nữa. Đội quân đại lý hùng hậu của hai công ty này là các rào cản cạnh tranh rất khó bắt chước đối với các đối thủ khác muốn gia nhập thị trường bảo hiểm, và cả hai công ty đều tránh các sản phẩm bảo hiểm đòi hỏi thị trường chứng khoán phải tăng cao thì mới mang lại lợi nhuận.
Kết quả là AIA và chi nhánh tại châu Á của Prudential đã đạt tăng trưởng lợi nhuận hoạt động với tỷ lệ tương ứng là 13% và 18%, tính theo đồng đô la Mỹ, kể từ năm 2007. Hai thập kỷ trước, châu Á chỉ đại diện cho 5% giá trị thị trường của Pru; bây giờ tỷ lệ đó đã lên tới khoảng 50%. AIA có giá trị thị trường cao gấp đôi so với tập đoàn mẹ trước đây là AIG. Các mẩu vụn bánh mì đã trở thành miếng bánh lớn nhất. Đối với ngành công nghiệp bảo hiểm nhân thọ toàn cầu, các công ty châu Á hiện chiếm tới 49% tổng giá trị thị trường, tăng từ mức 4% chỉ cách đây hai thập kỷ.
Trung Quốc là một phần quan trọng trong bối cảnh này. Thị trường bảo hiểm Trung Quốc đã có những vụ bê bối nổi tiếng, bao gồm cả vụ sụp đổ đầy tai tiếng của tập đoàn bảo hiểm Anbang, một cỗ máy thâu tóm và một doanh nghiệp sân sau được khoác mặt nạ là một công ty bảo hiểm, đã bị phá sản và bị chính quyền Bắc Kinh quốc hữu hóa vào tháng Hai đầu năm nay. Nhưng Trung Quốc cũng có những công ty bảo hiểm thực sự uy tín. Ping An là tập đoàn bảo hiểm nhân thọ có giá trị thị trường lớn nhất trên thế giới và được đối thủ ngưỡng mộ bởi khả năng khai thác và sử dụng dữ liệu lớn. Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ China Life được xếp hạng đứng thứ ba toàn cầu. AIA sở hữu 100% cổ phần của đơn vị hoạt động kinh doanh trên thị trường Trung Quốc đại lục và Prudential sở hữu 50% trong một liên doanh với CITIC, một tập đoàn nhà nước khổng lồ của Trung Quốc. Các đơn vị kinh doanh này đã đạt được khối lượng doanh số quan trọng, cung cấp tới 18% doanh thu của hợp đồng khai thác mới tính đến thời điểm này của năm 2018 cho AIA và 11% cho Pru Asia. Hai công ty này đều đã sẵn sàng để gia nhập một nhóm nhỏ ưu tú gồm các tập đoàn tài chính đa quốc gia thu được một phần đáng kể lợi nhuận toàn cầu của mình từ thị trường Trung Quốc đại lục.
Một nguy cơ đối với sự phát triển của hai công ty này là công nghệ. Hiện tại, khách hàng vẫn thích giao dịch với các đại lý bảo hiểm (có trang bị iPad) khi ký các hợp đồng bảo hiểm phức tạp. Nhưng những công ty khởi nghiệp có thể tiếp cận khách hàng qua điện thoại thông minh sẽ có thể khiến các đại lý bảo hiểm trở thành lạc hậu. Ông Colm Kelly, một chuyên gia phân tích tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS, đã tiến hành khảo sát 800 nhân viên đại lý bảo hiểm ở châu Á, và một nửa trong số họ nghĩ rằng kênh phân phối kỹ thuật số là một “mối đe dọa lớn.” Ban lãnh đạo của AIA và Pru cần phải xem xét vấn đề này một nghiêm túc hơn. Một nguy cơ khác là nổ ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á, bị châm ngòi bởi các cuộc chiến tranh thương mại hoặc các đợt bán tháo chứng khoán ở các thị trường mới nổi. Về bản chất các công ty bảo hiểm có hệ thống hoạt động phức tạp. Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-09, cả AIA và Pru Asia đều tránh được các vụ thất bại “trượt vỏ chuối” lớn về khai thác nghiệp vụ và đầu tư, trong khi doanh thu của các hợp đồng khai thác mới chỉ bị sụt giảm đôi chút.
Chấp nhận hoặc bỏ cuộc
Thay vào đó, thử thách lớn đối với hai công ty này có thể là làn sóng mua bán sát nhập. Trung Quốc đang nới lỏng các quy tắc về sở hữu nước ngoài, điều này sẽ thúc đẩy một cuộc cải tổ về trật tự trong số 26 công ty bảo hiểm nước ngoài khác đang hiện diện tại thị trường này. Ping An và China Life có thể tìm cách bỏ tiền mua lại một công ty để thành lập chi nhánh ở nước ngoài. Hai gã khổng lồ trong ngành bảo hiểm châu Âu, AXA và Allianz, đều tuyên bố rằng họ không theo đuổi những thương vụ M&A lớn, nhưng lại có lượng tiền mặt dự phòng dồi dào, luôn luôn rình rập các cơ hội xuất hiện tại thị trường châu Á, cùng với lịch sử 20 năm xây dựng đế chế thông qua các thương vụ mua bán sát nhập.
Đối với AIA, mối nguy hiểm là công ty này có thể mắc sai lầm trả giá quá cao cho các thương vụ thâu tóm quy mô nhỏ, hoặc phải đối mặt với một địch thủ cạnh tranh mới có quy mô lớn. Đối với Prudential, rủi ro là phải đối mặt với một đối thủ thâu tóm đầy cơ hội. Prudential có quy mô nhỏ hơn AIA, với các hoạt động kinh doanh có bề dày thâm niên ít hơn, và thu về lượng tiền mặt ít hơn. Vào năm 2019, Pru sẽ chia tách bộ phận kinh doanh tại Vương Quốc Anh. Ý tưởng của Pru là tìm cách từ bỏ gánh nặng này để công ty sau đó có thể được thị trường chứng khoán định giá doanh nghiệp cao hơn, nhưng lại có một hiệu ứng ngoài ý muốn là có thể làm cho Pru trở thành một mục tiêu thâu tóm hấp dẫn. Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ của Trung Quốc Ping An đã từng lên kế hoạch thâu tóm Prudential Asia. Ban lãnh đạo của Pru nên chống lại bất kỳ nỗ lực thâu tóm nào và củng cố sự quyết tâm của các cổ đông. Nếu làm được như vậy, thì cả AIA và Prudential đều sẽ giữ vững được vị trí dẫn đầu của một thế hệ mới các tập đoàn tài chính đa quốc gia xuất phát từ châu Á.
Xu hướng số hóa đang thay đổi ngành bảo hiểm truyền thống
Generali tuyên bố chi 4 tỷ euro (4.56 tỷ USD) cho thương vụ mua bán sát nhập để vượt qua đối thủ
Lê Minh
The Economist Magazine