Chính sách quản lý tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ
Chính sách quản lý về tài chính đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt, đảm bảo cho quá trình hoạt động của DNBH đúng định hướng. Với nhận thức đó, bài viết nghiên cứu các chính sách quản lý nhà nước về tài chính đối với DNBH phi nhân thọ thông qua một số trọng tâm sau: Chính sách quản lý về vốn; chính sách quản lý khả năng thanh toán; chính sách quản lý trích lập dự phòng nghiệp vụ; chính sách quản lý hoạt động đầu tư; chính sách quản lý doanh thu, chi phí…
Chính sách quản lý về vốn
Theo Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm và chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, vốn điều lệ đã góp là số vốn do chủ sở hữu thực góp và không phải là vốn vay. Các giao dịch từ 10% vốn điều lệ thực góp phải được Bộ Tài chính chấp thuận.
Vốn điều lệ khi thành lập của DNBH phi nhân thọ cổ phần cần phải đảm bảo theo cơ cấu sau: cổ đông cá nhân thấp hơn 10%; cổ công tổ chức thấp hơn 20%; cổ đông sáng lập từ 50% trở lên. Nếu vốn điều lệ đã góp bằng vốn pháp định, DNBH chỉ được thành lập tối đa 20 chi nhánh/văn phòng đại diện. Nếu muốn mở rộng thêm hoạt động kinh doanh, đối với mỗi loại hình bảo hiểm hàng không và bảo hiểm vệ tinh, DNBH phải bổ sung thêm vốn điều lệ đã góp cao hơn mức vốn pháp định là 50 tỷ đồng, bổ sung thêm 10 tỷ đồng nếu muốn mở thêm chi nhánh và văn phòng đại diện. Bất kỳ sự thay đổi về vốn điều lệ đã góp thì các DNBH phi nhân thọ bắt buộc phải có đơn giải trình với Bộ Tài chính.
Khoản 1 Điều 10 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP về vốn pháp định đối với DNBH phi nhân thọ và Khoản 2 Điều 50 quy định Nghị định số 73/2016/NĐ-CP về quản lý vốn chủ sở hữu của DNBH không thấp hơn mức vốn pháp định quy định tại Điều 10 của Nghị định này. Do đó, trong quá trình hoạt động kinh doanh, các DNBH phi nhân thọ luôn phải duy trì mức vốn chủ sở hữu tối thiểu, không thấp hơn mức vốn pháp định là 300 tỷ đồng. Đây là mức vốn tối thiểu mà các DNBH phi nhân thọ phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Nhằm tăng cường quản lý về vốn đối với các DNBH phi nhân thọ, thời gian qua, Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã tăng cường giám sát, yêu cầu các DNBH phi nhân thọ duy trì vốn theo quy định, mọi thay đổi về vốn đều phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Theo thống kê, đến năm 2017, toàn thị trường có 30/30 DNBH phi nhân thọ đã đáp ứng yêu cầu về vốn và cơ cấu vốn theo quy định.
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2010-2017 còn có một số DNBH phi nhân thọ đã đi vào hoạt động khi chưa góp vốn điều lệ đủ bằng vốn pháp định, hoặc thực hiện chưa nghiêm túc quy định tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, tình trạng vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn điều lệ đã có những tác động nhất định tới các DNBH phi nhân thọ. Mặc dù, vốn điều lệ của DNBH phi nhân thọ đã góp đủ nhưng việc báo lỗ luỹ kế liên tiếp cho thấy, khả năng tài chính của DNBH phi nhân thọ thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để xác định mức độ cải thiện hay giảm sút về khả năng tài chính của DNBH, cơ quan quản lý sử dụng chỉ tiêu thay đổi nguồn vốn quỹ theo công thức sau:
Thay đổi nguồn vốn quỹ = Chênh lệch nguồn vốn quỹ hiện tại và năm trước/Nguồn vốn quỹ năm trước
Chỉ tiêu này phản ánh mức độ biến động về vốn, chỉ tiêu thay đổi nguồn vốn quỹ cho phép (-15% đến +50%). Các DNBH phi nhân thọ của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2017 đều có mức vốn vượt quá giới hạn thông thường của chỉ tiêu cảnh báo sớm, do tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Trên thị trường có thể thống kê một số DNBH có quy mô vốn lớn như: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (2.300 tỷ đồng); Tổng Công ty Bảo hiểm PVI (2.600 tỷ đồng); Công ty Bảo hiểm Bảo Minh (914 tỷ đồng); Công ty Bảo hiểm Pjico (887 tỷ đồng) và Công ty Bảo hiểm PTI (804 tỷ đồng).
Chính sách quản lý về khả năng thanh toán
Chính sách quản lý về khả năng thanh toán (KNTT) của DNBH phi nhân thọ được quy định cụ thể từ Điều 77 đến Điều 81 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 (trong đó, Điều 77 quy định chung về KNTT; từ Điều 78 đến Điều 81 của Luật này quy định về báo cáo nguy cơ mất KNTT; Trách nhiệm của DN trong trường hợp mất KNTT; Kiểm soát đối với DNBH có nguy cơ mất KNTT; Quy định việc chấm dứt việc áp dụng các biện pháp khôi phục KNTT).
Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2016/NĐ–CP hướng dẫn DNBH triển khai các điều, từ Điều 64 đến Điều 67 của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 (trong đó, Điều 64 quy định về KNTT tối thiểu đối với DNBH phi nhân thọ; Điều 65 quy định về biên KNTT; Điều 66 quy định nguy cơ mất KNTT; Điều 67 quy định khôi phục KNTT). Cách tính toán KNTT của DNBH cũng được hướng dẫn thi hành tại Điều 20 Thông tư số 50/2017/TT–BTC.
Biên KNTT tối thiểu của DNBH phi nhân thọ = Max {25%Pr; 12,5% (Pg + Pt)}
Trong đó: Pr là tổng phí bảo hiểm thực giữ lại tại thời điểm tính biên KNTT; Pg là tổng phí bảo hiểm gốc tại thời điểm tính biên KNTT; Pt là phí nhận tái bảo hiểm tại thời điểm tính biên KNTT.
Biên KNTT của DNBH phi nhân thọ là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả tại thời điểm tính biên KNTT. DNBH luôn phải duy trì KNTT trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm. DNBH được coi là có đủ KNTT khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và có biên KNTT không thấp hơn biên KNTT tối thiểu. Sau khi tính toán biên KNTT thì cơ quan quản lý cũng có các cấp độ can thiệp:
– Biên KNTT thực tế > = Biên KNTT tối thiểu: Nhà nước không cần can thiệp
– Biên KNTT thực tế < Biên KNTT tối thiểu: DNBH cần thực hiện ngay các biện pháp tự khôi phục KNTT, đồng thời, chủ động báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về tình hình tài chính hiện tại, cũng như nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất KNTT và phương án khôi phục KNTT. Trong trường hợp DNBH không tự khôi phục được KNTT thì Bộ tài chính sẽ có quyền yêu cầu DNBH thực hiện những biện pháp như: Bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu; tái bảo hiểm; củng cố tổ chức bộ máy và thay đổi người quản trị, điều hành DN; yêu cầu chuyển giao hợp đồng bảo hiểm… Trong trường hợp DNBH không khôi phục được KNTT theo yêu cầu của Bộ tài chính thì sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Theo quy định tại Mục 1, Chương 6 Thông tư số 50/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính ban hành quyết định thành lập Ban kiểm soát KNTT để áp dụng các biện pháp khôi phục KNTT theo quy định tại Điều 80 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ban kiểm soát KNTT do Bộ Tài chính quyết định thành phần, số lượng và cơ cấu có nhiệm vụ chỉ đạo và giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp khôi phục KNTT theo phương án đã được chấp thuận; Hạn chế phạm vi và lĩnh vực hoạt động của DNBH; Đình chỉ những hoạt động có thể dẫn đến việc mất KNTT của DNBH; Chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm cho DNBH khác; Tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành và yêu cầu DNBH thay thế, miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án khôi phục khả năng thanh toán đã được chấp thuận; Kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp khôi phục KNTT.
Phân tích số liệu Biên KNTT của các DN bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017 cho thấy, có một số trường hợp có nguy cơ mất KNTT khi tỷ lệ biên KNTT thực tế/biên KNTT tối thiểu nhỏ hơn 100% như: PVI, PTI (năm 2010, 2011, 2012). Tại thời điểm 31/12/2010 có một số DN có hệ số biên KNTT khá thấp như: Pjico (52%), Bảo Long (74%), Mic (40%). Thời điểm 31/12/2015, một số các DNBH kể cả DNBH ngoại có hệ số KNTT = 0 như: GIC, Bảo Long, BIC, MSIG, SGI. Đặc biệt, trường hợp của VASS là DNBH luôn có hệ số biên KNTT ở mức rất thấp, có giá trị âm và dù đã có cải thiện trong 3 năm gần đây nhưng hệ số này vẫn ở mức thấp. Theo Quyết định số 1826/QĐ – TTg về việc phân loại bảo hiểm thì VASS vẫn xếp vào nhóm 3 là có nguy cơ không đảm bảo KNTT…
Nhìn chung, với cách tính biên KNTT như hiện nay, về mặt định lượng, KNTT có thể được đáp ứng nhưng không cao. Số liệu tính toán là số liệu quá khứ chủ yếu được tính toán sau ít nhất 3 tháng, nên khả năng hỗ trợ phòng ngừa rủi ro chưa cao, thậm chí có thể trong lúc đang tính toán thì trong thực tế đã xảy ra tình trạng mất KNTT.
Chính sách quản lý trích lập dự phòng nghiệp vụ
Thiết lập các quỹ dự phòng nghiệp vụ là một nội dung đặc thù của động kinh doanh của DNBH nhằm đáp ứng yêu cầu chi trả bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra rủi ro. Do đó, Nhà nước cần quản lý chặt chẽ các DNBH trong việc thiết lập các quỹ dự phòng, nhằm thanh toán cho những trách nhiệm bảo hiểm đã được xác định trước và phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm đã được giao kết. Theo quy định tại Điều 17, Thông tư số 50/2017/TT – BTC, DNBH phi nhân thọ phải trích lập các loại dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tương ứng với trách nhiệm giữ lại theo quy định tại Điều 53, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP. Trách nhiệm giữ lại của DNBH được xác định theo công thức sau:
Trách nhiệm giữ lại = Trách nhiệm bảo hiểm gốc + Trách nhiệm nhận tái bảo hiểm – Trách nhiệm nhượng tái bảo hiểm
Với quy định trên, các DNBH phi nhân thọ được lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, tuy nhiên tùy vào thực tế hoạt động, các DNBH có thể lựa chọn phương pháp tính toán đơn giản hơn, cụ thể như: Phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng phí bảo hiểm cho dự phòng phí; hay phương pháp theo hồ sơ cho dự phòng bồi thường.
Việc trích lập đúng, đủ dự phòng nghiệp vụ là yếu tố để đảm bảo KNTT của DNBH. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng nghiệp vụ của các DNBH hiện nay còn tồn tại một số hạn chế như: Trích chưa đủ dự phòng, sử dụng sai quỹ dự phòng, cách trích lập dự phòng không đồng nhất giữa các DNBH… Bản thân các DNBH chưa thực sự có ý thức trong việc trích lập dự phòng, có DNBH còn mang tính đối phó, DN có thể điều chỉnh mức dự phòng để chuyển tình hình tài chính từ lãi thành lỗ và ngược lại. Việc giám sát từ xa chưa có đủ cơ sở để xác định tính đúng đắn của số liệu trích dự phòng. Số liệu phụ thuộc vào mức độ trung thực của từng DNBH, việc tính toán chính xác phải dựa vào số liệu của kiểm toán độc lập hoặc số liệu giám sát tại chỗ.
Chính sách quản lý hoạt động đầu tư
Hoạt động đầu tư của DNBH phi nhân thọ được quy định rất rõ tại Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 và Điều 59 đến Điều 62 Nghị định số 73/2016/NĐ–CP. Điều 98 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 chỉ rõ, DNBH chỉ được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để đầu tư ở Việt Nam trong các lĩnh vực: (1) Mua trái phiếu Chính phủ; (2) Mua cổ phiếu, trái phiếu DN; (3) Kinh doanh bất động sản; (4) Góp vốn vào các DN khác; (5) Cho vay theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD); (6) Gửi tiền tại các TCTD…
Chính sách quản ký hoạt động đầu tư mặc dù đã hướng dẫn cụ thể và đầy đủ. Trên cơ sở đó, các DNBH phi nhân thọ cũng đã chấp hành quy định này, tuy nhiên, quy mô đầu tư của các DNBH lại chỉ mới tập trung vào tiền gửi tại các TCTD, cổ phiếu DN không có bảo lãnh, uỷ thác đầu tư.
Chính sách quản lý doanh thu, chi phí
Nội dung quản lý doanh thu và chi phí của DNBH phi nhân thọ được quy định tại Điều 68, 69 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP và Điều 21, 22 Thông tư số 50/2017/TT- BTC. Nghiên cứu các quy định có thể thấy, Nhà nước thực hiện trao quyền tự chủ cho các DNBH, cho nên việc hạch toán doanh thu và chi phí thuộc trách nhiệm và quyền hạn của từng đơn vị DNBH. Tuy nhiên, trong thực tế các DNBH phi nhân thọ vẫn chưa tuân thủ các quy định về ghi nhận doanh thu: Hợp đồng đã phát sinh trách nhiệm nhưng chưa ghi nhận doanh thu, hoặc hợp đồng chưa phát sinh nhưng đã ghi nhận doanh thu; Hợp đồng bảo hiểm đã hết hiệu lực nhưng vẫn ghi nhận doanh thu. Ngoài ra, một số cán bộ chi nhánh để doanh thu ngoài sổ sách, khi ký hợp đồng bảo hiểm nếu xét thấy hợp đồng đó ít rủi ro thì không hạch toán vào doanh thu của DN mà chiếm dụng khoản thu đó. Còn nếu hợp đồng đó có rủi ro phát sinh thì lại ghi vào doanh thu để công ty phải chịu tổn thất.
Đối với các khoản chi phí, trong thực tế vẫn còn tồn tại một số vi phạm trong hạch toán chi phí bồi thường và chi phí hoạt động. Nhiều khoản chi bồi thường bảo hiểm gốc được hạch toán khi chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Đặc biệt, chi hoa hồng còn nhiều vấn đề bất cập như chi hoa hồng không đúng đối tượng (chi cho nhân viên của DNBH); chi khuyến mại cho người tham gia bảo hiểm; chi hỗ trợ đại lý không đúng quy định…
Hàm ý về chính sách
Chính sách quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh của DNBH phi nhân thọ ở Việt Nam đã, đang dần được kiện toàn, góp phần đảm bảo cho quá trình hoạt động của DN đúng định hướng, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên, thực tế triển khai mới chỉ ở giai đoạn đầu nên còn mang tính hình thức, tính tuân thủ chưa nghiêm; hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị và quản lý phát triển kinh doanh… Nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới cần chú trọng tới một số vấn đề sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung các quy định về vốn và khả năng thanh toán của DNBH phi nhân thọ theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro: Các quy định về quản lý vốn và KNTT ở nước ta hiện nay được xây dựng dựa trên kinh nghiệm châu Âu, cách đây đã hơn 30 năm. Theo đó, yêu cầu về vốn được xác định theo số tuyệt đối, không phân biệt đặc thù kinh doanh, quy mô của từng DN. Còn KNTT tối thiểu được xác định trên hai rủi ro tác động đến hoạt động của DN là rủi ro bảo hiểm và rủi ro lãi suất. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của DNBH phi nhân thọ ngày càng chịu tác động của nhiều yếu tố và rủi ro hỗn hợp từ nhiều phía như: biến động thị trường tài chính, thị trường đầu tư, công nghệ, môi trường… Do đó, việc áp dụng quy định vốn và KNTT hiện nay đã không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Nghiên cứu cho thấy, hầu hết các cơ quan quản lý bảo hiểm trên thế giới đã dần chuyển sang mô hình quản lý vốn và khả năng thanh toán theo hướng cá thể hoá yêu cầu về vốn tương ứng với rủi ro hoạt động của từng DN (các nước châu Âu sử dụng mô hình Solvency II; các nước Bắc Mỹ và châu Á sử dụng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro RBC). Theo đó, mức vốn tối thiểu cần thiết của DNBH phi nhân thọ được xác định dựa trên quy mô hoạt động và tổng thể các rủi ro có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của từng DN. Đồng thời, các biện pháp can thiệp sớm và điều chỉnh cũng được thiết kế để áp dụng kịp thời nhằm ngăn chặn việc DN bị mất KNTT.
Trong điều kiện Việt Nam, thị trường tài chính đang trong giai đoạn phát triển, cơ sở dữ liệu báo cáo cho cơ quan quản lý chưa thống nhất, chi phí và nguồn nhân lực còn hạn chế, Chính phủ nên nghiên cứu lộ trình xây dựng mô hình vốn trên cơ sở rủi ro bằng cách tham khảo một mô hình sẵn có tương tự như Singapore và điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam, cụ thể như:
– Xây dựng mô hình vốn trên cơ sở 4 loại rủi ro: Rủi ro bảo hiểm (C1), rủi ro tài sản (C2), rủi ro tập trung (C3) và rủi ro hoạt động (C4). Trong đó: C1 là rủi ro bảo hiểm được tính toán đối với mỗi loại rủi ro theo dự phòng phí và dự phòng bồi thường; C2 là rủi ro tài sản được tính toán dựa trên rủi ro của thị trường khác nhau, bao gồm: nợ, vốn chủ sở hữu, bất động sản và tỷ giá hối đoái. C2 phản ánh cả sự không phù hợp giữa tài sản và trách nhiệm; C3 là rủi ro tập trung của tài sản nhất định, đối tác hoặc nhóm đối tác (C3 được tính toán dựa trên rủi ro của DN vượt quá giới hạn tập trung nhất định); C4 là rủi ro hoạt động là rủi ro xuất phát từ hạn chế về năng lực quản lý, quy trình và hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa đầy đủ, đồng bộ.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định yêu cầu các DNBH phi nhân thọ phải tính toán mức vốn cần thiết tối thiểu tương ứng với các rủi ro của DN. Tổng thể rủi ro TRR (Total Risk Requirement) của DNBH là tổng các yêu cầu rủi ro của từng quỹ bảo hiểm trong DN:
TRR = C1+C2+C3+C4
– Quy định việc xác định vốn cần thiết tối thiểu tương ứng với mỗi loại rủi ro thường được thực hiện bằng công thức chung là số tiền chịu rủi ro nhân hệ số rủi ro, hoặc tính toán giá trị tài sản, trách nhiệm bảo hiểm theo cơ sở do cơ quan quản lý quy định để làm căn cứ so sánh với vốn sẵn có. Hệ số rủi ro được xác định theo các cấp độ đối với phí bảo hiểm; đối với bồi thường, có xét đến sự biến động đối với bảo hiểm trong nước và bảo hiểm ngoài lãnh thổ. Hệ số này tuỳ thuộc vào kết quả dữ liệu tổng hợp, phân tích toàn thị trường, cần có thời gian để kiểm nghiệm và thống nhất chung giữa tất cả các DNBH phi nhân thọ.
– Yêu cầu về vốn: DN phải duy trì vốn sẵn có cao hơn so với vốn cần thiết tối thiểu tương ứng với rủi ro DNBH. Trong đó, vốn sẵn có của DN được xác định theo hướng dẫn của Chính phủ, là nguồn vốn cơ bản của DN để đảm bảo cho các rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo cam kết với khách hàng tham gia bảo hiểm. Vốn sẵn có được xác định chủ yếu từ nguồn vốn chủ sở hữu, có điều chỉnh bổ sung hoặc khấu trừ một số hạng mục tuỳ theo mức độ rủi ro hoặc chắc chắn của khoản mục.
– Yêu cầu về khả năng thanh toán: So sánh giữa vốn tự có FR (khả năng tài chính của DN) với số nguồn tài chính/tài sản chịu rủi ro của DN, có xem xét đến vốn pháp định ban đầu: FR > TRR. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về KNTT tại Điều 77 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH12, qua đó tạo cơ chế cho việc hoàn thiện các nghị định hướng dẫn Luật. DNBH chỉ đáp ứng KNTT khi: (i) Trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định; (ii) Yêu cầu vốn tối thiểu không thấp hơn vốn pháp định và tương ứng với rủi ro của DNBH.
– Bổ sung quy định về các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý dựa trên kết quả tính toán về yêu cầu vốn và vốn trên cơ sở rủi ro. Các biện pháp can thiệp phù hợp với tình hình hoạt động của DN trong từng giai đoạn phát triển của thị trường và đảm bảo tính cảnh báo sớm.
Thứ hai, sửa đổi các quy định về trích lập dự phòng nghiệp vụ đảm bảo được trách nhiệm của DNBH đối với toàn bộ hoạt động của DN: Việc trích lập dự phòng nghiệp vụ được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 96 Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH12, trong đó nêu rõ, việc trích lập dự phòng nghiệp vụ cho mục đích thanh toán không hoàn toàn chính xác. Lý do là ngoài trách nhiệm bảo hiểm thì có hợp đồng bảo hiểm mang các quyền lợi tích luỹ về số tiền đầu tư, vì vậy cần hoàn chỉnh lại là “Dự phòng nghiệp vụ là khoản tiền mà DNBH phải trích lập nhằm đảm bảo cho những trách nhiệm đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm”. Khoản 3, Điều 96 của Luật này cũng nên nghiên cứu xem xét sửa đổi thành “Bộ Tài chính quy định về cơ sở, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm” để đảm bảo tính khái quát, thay vì Bộ Tài chính quy định về “mức trích lập, phương pháp trích lập”.
Ngoài ra, như phân tích ở Chương 3, việc quy định trích lập dự phòng phí chưa được hưởng đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn từ 1 năm trở xuống theo phương pháp tỷ lệ phần trăm của “tổng phí bảo hiểm thuộc năm tài chính” là chưa hợp lý, cần chỉnh sửa lại căn cứ theo “thời hạn còn lại của các hợp đồng được chuyển sang năm sau”.
Về phương pháp xác định: Tính toán dựa trên phương pháp phí bảo hiểm toàn phần với giả định được sử dụng là giả định ước tính tốt nhất, cộng thêm biên dự phòng cho những rủi ro có thể phát sinh trong tình huống bất lợi. Đây là phương pháp trích lập tương ứng, phù hợp với mô hình quản lý vốn và khả năng thanh toán trên cơ sở rủi ro.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định nhằm phát triển hoạt động đầu tư của DNBH phi nhân thọ: Thực tế cho thấy, lợi nhuận của hoạt động đầu tư chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng lợi nhuận của DNBH phi nhân thọ ở Việt Nam, thậm chí hoạt động đầu tư còn phải bù lỗ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Do đó, chính sách nhằm mở rộng hoạt động đầu tư cho DNBH phi nhân thọ là hết sức quan trọng, theo đó một số vấn đề cần lưu ý như sau:
– Bỏ giới hạn các tài sản mà DNBH phi nhân thọ có thể đầu tư, bổ sung quy định về danh mục các khoản đầu tư bị cấm và hạn mức từng khoản mục đầu tư: Theo IAIS, để đảm bảo an toàn, pháp luật các quốc gia thường yêu cầu DNBH tập trung danh mục đầu tư vào những tài sản có độ an toàn và tính thanh khoản cao, được quản lý tốt như các sản phẩm tài chính (cổ phiếu, trái phiếu)…
– Bổ sung quy định tính toán số vốn tối thiểu cần thiết tương ứng với từng loại hình tài sản đầu tư của từng DNBH: Cũng như các hoạt động kinh doanh khác, hoạt động đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù, Nhà nước đã có những chính sách đảm bảo an toàn tài chính cho thị trường bảo hiểm bằng cách ban hành những quy định hướng dẫn về việc trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư.
Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng rủi ro của các DNBH phi nhân thọ ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là ứng phó, do vậy, cần rà soát lại các quy định để có các biện pháp dự phòng rủi ro hữu hiệu nhằm tạo điều kiện khuyến khích các DN tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, cần quy định DNBH thực hiện trích lập dự phòng rủi ro một cách khoa học, sử dụng các công cụ chứng khoán phái sinh để phòng hộ rủi ro của danh mục đầu tư hay các phần mềm phân tích dự báo để quyết định các chiến lược đầu tư.
Nhà nước cũng cần có chính sách hướng dẫn việc tính toán số vốn tối thiểu tương ứng với từng loại hình tài sản đầu tư của DN cho phù hợp với định hướng quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Theo đó, cần có các hệ số rủi ro phân biệt cho từng tài sản. Những DNBH đầu tư vào các loại hình tài sản đầu tư có độ rủi ro cao, tính thanh khoản thấp sẽ có yêu cầu về vốn tối thiểu cao hơn so với các DN đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao. Ngoài ra, cần bổ sung yêu cầu về chế độ báo cáo, công khai thông tin về tình hình hoạt động đầu tư để cơ quan quản lý có thể kiểm soát và cảnh báo sớm các rủi ro.
– Tiếp tục tạo hành lang pháp lý đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư bền vững: Mặc dù, Chính phủ luôn nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ thể đầu tư nhưng thị trường tài chính hiện nay khá trầm lắng và chưa phát triển, đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế các kênh đầu tư. Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ cần có định hướng, thay đổi cơ cấu đầu tư, phục hồi hoạt động của thị trường bất động sản cũng như thị trường chứng khoán để mở rộng cơ hội đầu tư cho các DNBH.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2000), Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10;
2. Chính phủ (2016), Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;
3. Bộ Tài chính (2018), Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2017, NXB Tài chính, Hà Nội;
4. Bộ Tài chính (2017), Thông tư 50/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 73/2016/NĐ-CP;
5. Bộ Tài chính (2014), Thông tư 195/2014/TT-BTC về đánh giá và xếp loại DN bảo hiểm;
6. Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm (2018), Báo cáo tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000 – 2017;
7. Hoàng Trần Hậu & Nguyễn Tiến Hùng (2013), “Giám sát an toàn tài chính đối với các DN bảo hiểm ở Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 11, tr. 4-7;
8. Nguyễn Tiến Hùng và Võ Đình Trí (2010), “Giám sát an toàn tài chính đối với các DN bảo hiểm: Mô hình của các thị trường phát triển và vận dụng ở Việt Nam”, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 8, tr. 11-15;
9. Nguyễn Thanh Nga (2015), “Giám sát thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam”, Luận án Tiến sĩ kinh tế Học viện Tài chính, Hà Nội;
10. Hoàng Mạnh Cừ (2012), “Những hạn chế trong việc trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán, số 4, tr. 21-23.
ThS. Lê Hà Trang – trường Đại học Thương mại