Tàu vỏ thép BĐ 99029 TS của ngư dân Trần Văn Hạo thời điểm hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa năm 2017

Đó là trường hợp của vợ chồng ông Trần Mão (SN 1944, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định).

Từ chiếc tàu 67 hư hỏng…

TP Quy Nhơn những ngày cuối tháng 10 trời xám xịt, u ám như đôi mắt của đôi vợ chồng tuổi đã ngoài 75 khi nghĩ về tương lai phía trước. Ông Mão tiếp chúng tôi bằng đôi mắt e ngại pha chút lo sợ, hồ nghi về những người lạ lần đầu gặp mặt.

Cũng dễ hiểu, bởi thời gian gần đây, căn nhà ông luôn xuất hiện những đối tượng lạ mặt đến quấy phá, đòi nợ. Thực chất, ông không hề biết về số nợ kia bởi người vay “tín dụng đen” là con trai của ông – anh Trần Văn Hạo.

Câu chuyện vòng xoáy “tàu 67 – nợ nần – tín dụng đen” bắt đầu từ việc anh Hạo được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt là chủ tàu có đủ điều kiện đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Thời điểm năm 2015, anh Hạo ký hợp đồng tín dụng vay vốn đóng mới tàu cá với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Chi nhánh Bình Định. Trước đó, anh Hạo được nhân viên ngân hàng hướng dẫn thế chấp sổ đỏ nhà để tín chấp và được rót tiền nhanh cho kịp đóng tàu.

“Đầu năm 2015, Hạo ký hợp đồng đóng tàu vỏ thép trị giá hơn 18,7 tỷ đồng với Công ty TNHH MTV Nam Triệu (trụ sở tại Hải Phòng). Đến tháng 8/2015, Hạo ký hợp đồng tín dụng với Vietcombank, Chi nhánh Bình Định để vay 17,7 tỷ đồng (94% giá trị con tàu) và thế chấp sổ đỏ. Tuy nhiên, khi tàu đóng xong năm 2016, con tôi mang đầy đủ hồ sơ con tàu đến thế chấp cho ngân hàng để lấy lại sổ đỏ thì phía ngân hàng không chịu”, ông Mão kể lại.

Năm 2016, sau vài chuyến biển thành công, chưa kịp vui mừng thì bước sang đầu năm 2017, con tàu của anh Hạo cũng như nhiều ngư dân khác gặp sự cố. 8 tháng ròng, tàu phải nằm ở Cam Ranh (Khánh Hòa) để sửa chữa. Thời điểm này, nhiều ngư dân rơi vào cảnh khốn đốn. Riêng anh Hạo không có tiền trả lãi ngân hàng, dẫn tới nợ quá hạn. Anh Hạo xin vay vốn lưu động 600 triệu đồng để trả nợ, song vì sổ đỏ bị ngân hàng giữ nên anh không thể vay được.

Ngôi nhà của ông Trần Mão (cha anh Hạo) bị tạt sơn để yêu cầu trả nợ cho con

…Đến những giọt nước mắt của đấng sinh thành

Áp lực nợ nần, rồi phải lo cho cuộc sống hàng ngày, việc ăn học của con cái khiến anh Hạo đi vay mượn khắp nơi. Đến đầu năm 2019, sau khi khắc phục xong mọi sự cố, tàu 67 lại vươn khơi mang theo nhiều hy vọng. Tuy nhiên việc đánh bắt không được suôn sẻ, nhiều chuyến biển liên tục thua lỗ.

Để có kinh phí ra khơi, anh Hạo tiếp tục đi vay nóng “tín dụng đen”. Số tiền vay nóng cả gốc lẫn lãi lên tới 1,2 tỷ đồng. Nợ nần chất đống, đẩy anh vào cảnh tán gia bại sản. Trước bức bách của các chủ nợ, “xã hội đen” và ngân hàng, vợ anh Hạo dắt con bỏ đi. Ít tháng sau, anh Hạo cũng bỏ nhà trốn biệt tích.

Hơn tháng qua, nhiều thành phần “xã hội đen” liên tục kéo đến nhà, uy hiếp vợ chồng ông Mão để buộc trả nợ thay con. Một số người xông thẳng vào nhà vừa hăm dọa, vừa phá tài sản, ném nước mắm, trứng thối, tạt sơn đầy nhà và cuối cùng là xịt sơn đỏ lên cửa sắt, trước hiên nhà. Ngôi nhà của anh Hạo ở đường Lê Thanh Nghị cũng bị tạt sơn để yêu cầu trả nợ.

Con trai đã trốn biệt tăm, hai vợ chồng già vừa lo lắng cho con, lại thấp thỏm sống trong lo sợ khi các đối tượng đến hăm dọa, uy hiếp. “Tôi không sợ xã hội đen làm gì tôi với bố nó, chỉ lo lắng cho các con, các cháu. Chỉ mong ngân hàng tạo điều kiện cho nó được vay ít vốn để về trả nợ. Cho nó giải quyết hết nợ nần để bắt đầu làm lại cuộc đời”, bà Khảm, mẹ anh Hạo khóc.

Bà Trần Thị Khảm nước mắt giàn giụa vì lo sợ con trai bị giang hồ đe dọa

Ngân hàng có được giữ sổ đỏ của ngư dân?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trà Dương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định cho biết, anh Trần Văn Hạo là một trong số 20 ngư dân có tàu đóng mới theo Nghị định 67 bị ảnh hưởng.

“Tuy nhiên sau này đã khắc phục rồi, việc anh này đánh bắt không hiệu quả dẫn đến nợ nần không nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất. Theo quy định thì chỉ những trường hợp khách quan do thiên tai, cướp biển… thì mới được hỗ trợ lãi suất”, ông Dương nói và thông tin, hiện tại, trong 62 con tàu đóng theo Nghị định 67 thì có đến 46 tàu đã nợ quá hạn. Trong số này có những trường hợp khó khăn, cũng có những trường hợp chây ì, không chịu trả.

“Với những trường hợp này, phía ngân hàng có quyền khởi kiện và thực tế đã khởi kiện rồi”, ông Dương nói.

Liên quan đến việc ngân hàng giữ sổ đỏ của anh Hạo, ông Dương cho rằng trên thực tế Nghị định 67 không có quy định nào cấm ngân hàng giữ sổ đỏ của ngư dân. “Trước đây, anh Hạo làm cam kết đồng ý và thỏa thuận cho ngân hàng giữ sổ đỏ. Còn việc anh Hạo làm đơn xin trả tàu, phía ngân hàng sẽ làm việc trực tiếp với ngư dân để giải quyết. Tuy nhiên, bây giờ ngư dân đòi trả tàu, có bán tàu đi cũng không đảm bảo thu hồi đủ nợ. Thời gian qua, phía ngân hàng đã xuống làm việc với anh Hạo nhưng anh này không có mặt ở địa phương nên nhiều vấn đề chưa thể giải quyết được”, ông Dương nói và thông tin thêm, đây là vốn thương mại, ngân hàng huy động để cho vay nên nợ quá hạn ngư dân phải trả, nhà nước chỉ hỗ trợ về lãi suất (thay vì 7%, phía ngư dân chỉ phải trả 1%, 6% còn lại nhà nước hỗ trợ).

Trong khi đó, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc sở NN-PTNT Bình Định cho hay, Nghị định 67 cũng không quy định ngư dân phải tín chấp sổ đỏ cho ngân hàng. “Nhưng thời điểm đó không hiểu sao anh Hạo và một ngư dân nữa tín chấp sổ đỏ. Đó là giao dịch riêng của ngân hàng và ngư dân”, ông Phúc nói.

Bình Định: “Tàu 67” nằm bờ không mua được bảo hiểm, ngư dân điêu đứng

Luật sư phân tích những bất cập trong quy chế bảo hiểm mới ban hành của PVN

Trần Nguyễn

Báo Giao Thông

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây