Trong khi chờ Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về phụ trợ bảo hiểm, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đề xuất cần sớm thành lập hiệp hội phụ trợ bảo hiểm.

Hiệp hội phụ trợ bảo hiểm quan trọng thế nào?

Mới đây Quốc hội đã chính thức ban hành Luật số 42/2019/QH14 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Luật mới đưa ra các hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm tư vấn, tính toán bảo hiểm, đánh giá rủi ro, giám định và giải quyết bồi thường.

Theo ông Ðỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam – một trong những người đề xuất thành lập hội, việc thành lập một tổ chức xã hội – nghề nghiệp về phụ trợ bảo hiểm sẽ là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình hành nghề.

Quan trọng hơn, không đơn thuần là bảo vệ lợi ích cho các thành viên, hiệp hội phụ trợ bảo hiểm còn là cầu nối bảo vệ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn, giải quyết bồi thường, điều mà hiện nay chưa có hiệp hội nào đảm nhiệm.

“Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hiệp hội nghề nghiệp liên quan tới bảo hiểm phát triển mạnh mẽ. Ðơn cử, ở Mỹ, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm được thành lập thành các liên đoàn hay hiệp hội độc lập, thực hiện các chức năng riêng…

Ðây được coi là nơi để các chuyên gia tư vấn về bảo hiểm và rủi ro hoạt động, hỗ trợ hội viên về các vấn đề quan trọng trong bảo hiểm như phân tích, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tư vấn, giải đáp, khắc phục các tranh chấp về bồi thường.

Ngoài ra, một số hiệp hội khác như hiệp hội đại lý bảo hiểm, hiệp hội môi giới bảo hiểm hay hiệp hội giám định viên cũng được thành lập và phát triển”, ông Sơn nói.

Nếu thành lập, nên độc lập hay trực thuộc IAV?

Hiện tại, việc thành lập hiệp hội về phụ trợ bảo hiểm mới đang là ý tưởng. Nhưng nếu được thành lập, một vấn đề cũng được quan tâm là hội sẽ hoạt động độc lập hay ở cấp thấp hơn, trực thuộc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV).

Kinh nghiệm từ quốc tế cho thấy, có 2 mô hình hoạt động dành cho hội phụ trợ bảo hiểm, một là dưới dạng tổ chức trực thuộc hiệp hội bảo hiểm quốc gia và hai là hoạt động độc lập, là tổ chức xã hội – nghề nghiệp riêng biệt trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Ðể lựa chọn một mô hình hoạt động phù hợp, đáp ứng đúng mục đích, nhu cầu thực tiễn thành lập, theo ông Ðỗ Hồng Sơn, là không đơn giản do liên quan đến lợi ích các bên tham gia.

“Theo luật, một số lĩnh vực như đánh giá rủi ro, tính toán bảo hiểm được xem là lĩnh vực phụ trợ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có thể tính toán, đánh giá rủi ro thiệt hại một cách chính xác nhất, tránh các vụ gian lận bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi cho DNBH khi giao kết hợp đồng.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực phụ trợ bảo hiểm khác như tư vấn bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường lại là những dịch vụ đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm. Do đó, nếu hội cùng nằm trong IAV có thể gây xung đột lợi ích”, ông Sơn phân tích.

Cũng là người đưa ra đề xuất thành lập hội, chuyên gia bảo hiểm Trương Minh Cát Nguyên cho rằng, không thể phủ nhận một số lĩnh vực phụ trợ nếu nằm trong IAV sẽ tạo sự liên kết lớn mạnh, giúp giảm thiểu các vụ gian lận bảo hiểm, cũng như giúp DNBH quyết định đúng đắn, hạn chế rủi ro không đáng có.

Tuy nhiên, cũng không thể chắc chắn việc quản lý, thống nhất ý kiến sẽ công bằng đối với một số lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể khác. Do đó, cần cân nhắc kỹ mô hình hoạt động, cũng như mục đích khi lập hội.

Hợp đồng bảo hiểm: Ký ba cái, bị nhận năm cái

Những vụ tai nạn lao động vắng bóng nhà bảo hiểm

Bảo hiểm Bưu điện Nhật Bản xin lỗi sau khi đã “phản bội” khách hàng

Kim Lan

ĐTCK

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây