Liên quan đến vụ Bảo Việt Quảng Bình từ chối đền bù bảo hiểm tai nạn cho tàu cá QB 93192 – TS của ông Phạm Ngọc Cường (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), trước sự thật hết đường cãi, Bảo Việt Quảng Bình đổ hết lỗi cho đại lý.

Tiền hậu bất nhất

Như Tiền Phong đã phản ánh, tàu cá đánh bắt xa bờ của ông Phạm Ngọc Cường, trú ở xã Cảnh Dương gặp tai nạn chìm trên biển ngày 8/1/2018. Tuy nhiên, Cty mà ông Cường mua bảo hiểm là Bảo Việt Quảng Bình đã từ chối đến bù với lí do, ông Cường không đóng phí bảo hiểm lần 2 đúng quy định.

Trước đó, trong các văn bản gửi ông Cường và cơ quan chức năng, Bảo Việt Quảng Bình luôn khẳng định, việc từ chối đền bù đối với vụ tai nạn tàu cá mang số hiệu QB 93192 TS là đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng cũng như quy định pháp luật về bảo hiểm. Vì lỗi thuộc về ông Cường, đã không đóng phí lần 2 (45 triệu) đúng thời hạn quy định ghi trong hợp đồng là vào ngày 22/6/2017, nên hợp đồng vô hiệu.

Hình ảnh tàu cá ông Cường được ghi lại lúc bị tai nạn, trước khi chìm xuống biển

Sau khi báo chí vào cuộc, chứng minh lỗi không đóng phí lần 2 đúng thời điểm không thuộc về ông Cường mà do phía bảo Việt Quảng Bình. Cụ thể, Bảo Việt không giao hợp đồng cho ông Cường để ông Cường theo dõi, biết các điều khoản nhằm thực hiện đúng hợp đồng. Thứ nữa, giấy thông báo nộp tiền lần 2, Bảo Việt Quảng Bình lại gửi cho một địa chỉ khác chứ không phải địa chỉ ông Cường, dẫn đến ông Cường không biết để thực hiện.

Trước sự thật này, mới đây ngày 6/9/2018, Bảo Việt Quảng Bình lại gửi tiếp công văn số 468 cho ông Cường, nói lí do từ chối đền bù bảo hiểm hoàn toàn trái ngược với những công văn trước đây. Bảo Việt Quảng Bình cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá cho ông Cường xảy ra sau sự kiện tàu ông Cường xảy ra tai nạn, dẫn đến hợp đồng vô hiệu.

Đại lý to hơn giám đốc bảo hiểm!

 Công văn số 468 của Bảo Việt Quảng Bình cho rằng: “Căn cứ toàn bộ hồ sơ vụ việc và bản tường trình của đại lý Hồ Quang Hường ngày 19/4/2018, về việc cấp giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá số 363 cho ông Phạm Ngọc Cường, xác định tại thời điểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm giữa đại lý Hồ Quang Hường và ông Phạm Ngọc Cường thì sự kiện bảo hiểm tàu QB 93192 TS bị tàu Hùng Khánh 68 đâm chìm đã xảy ra. Căn cứ điều 22 “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu” của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định: Tại thời điểm mua bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra”.

Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, thì giấy Chứng nhận bảo hiểm tàu cá QB 93192 TS của ông Phạm Ngọc Cường được ông Trần Nguyễn Trường Sơn, Quyền Giám đốc Bảo Việt Quảng Bình ký cấp ngày 20/9/2017. Trong lúc đó, tàu ông Cường bị chìm vào ngày 8/1/2018, tức là sau ngày được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm gần 4 tháng. Không hiểu Bảo Việt Quảng Bình lấy cơ sở nào để cho rằng việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho ông Cường sau khi tai nạn xảy ra?

Ông Cường bức xúc cho biết: “Giấy chứng nhận bảo hiểm mà Bảo Việt cấp cho tôi còn sờ sờ ra đó, chính tay ông Trần Nguyễn Trường Sơn ký, đóng dấu, không hiểu sao họ lại ra được cái công văn trái khoáy như thế? Điều lạ là để ra công văn này họ dựa trên bản tường trình của ông Hường đại lý, hóa ra ông Hường to hơn ông Trần Nguyễn Trường Sơn? Bản tường trình của ông Hường đại lý có thể phủ nhận giấy chứng nhận của giám đốc Bảo Việt Quảng Bình? Theo tôi Bảo Việt Quảng Bình vì quá bí bách trước những sai phạm của mình nên đổ lỗi cho ông Hường, nhằm trốn tránh trách nhiệm bồi thường”.

Về lí do vì sao ra công văn trái khoáy nói trên, cho đến thời điểm này Bảo Việt Quảng Bình vẫn tìm cách từ chối không tiếp xúc với phóng viên báo chí liên quan đến vụ tranh chấp bảo hiểm với ông Phạm Ngọc Cường.

Ngư dân bị từ chối bảo hiểm: Tiền hậu bất nhất từ phía Bảo Việt

Ngư dân “sập bẫy” bảo hiểm?

HOÀNG NAM

Tiền Phong

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây