
Sự thiếu hụt hay còn gọi là khoảng cách bảo vệ sức khỏe lớn nhất ở châu Á là ở Trung Quốc (805 tỷ USD) và Ấn Độ (369 tỷ USD), do có dân số đông và mức độ thu nhập thấp hơn, theo một nghiên cứu vừa phát hành của tập đoàn tái bảo hiểm toàn cầu Swiss Re cho biết.
Một báo cáo do nhà tái bảo hiểm này phát hành, có tiêu đề “Khoảng cách bảo vệ sức khỏe của châu Á: Những phát hiện nhằm xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn”, cho thấy cả hai nước này đều có chi phí tiền túi rất cao – tới 30% ở Trung Quốc và 65% ở Ấn Độ – cao hơn nhiều so với các thị trường phát triển trên toàn cầu có tỷ lệ chỉ là 10-14%. Ngoài ra, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 75% tổng số trường hợp không được điều trị ở châu Á, ảnh hưởng đến khoảng 32 triệu hộ gia đình.
Khoảng cách bảo vệ sức khỏe ở châu Á lên tới 1.8 nghìn tỷ USD trong năm 2017, theo nghiên cứu của báo cáo này khi so sánh khoảng cách bảo vệ sức khỏe trên 12 thị trường ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan và Việt Nam. Khoảng cách này cho thấy có 40 triệu hộ gia đình trên khắp châu Á đã bỏ qua chế độ điều trị y tế để tránh áp lực về tài chính.
Khoảng cách bảo vệ được định nghĩa là số tiền bảo hiểm cần thiết để tránh áp lực về tài chính phát sinh từ các chi phí y tế trực tiếp không lường trước được. Khoảng cách này có thể là các chi phí y tế không được chi trả bởi các đối tượng khác như bảo hiểm, an sinh xã hội hoặc chính phủ, buộc mọi người phải cắt giảm các chi tiêu khác của hộ gia đình (ví dụ như học phí, hóa đơn), hoặc giảm tỷ lệ tiết kiệm cá nhân để chi trả cho các chi phí không lường trước được. Hoặc nó có thể là tình trạng không được điều trị do thiếu nguồn lực tài chính, có khả năng khiến cho các hộ gia đình phải đối diện với các rủi ro cao hơn về sức khỏe và tình trạng sức khỏe ngày càng xấu đi của gia đình.
Trên khắp châu Á, khả năng chi trả cho các chi phí điều trị được coi là thách thức hàng đầu, xếp trên cả thách thức về gánh nặng tinh thần hoặc thời gian cần thiết để điều trị. Thách thức về khả năng chi trả sẽ chỉ ngày càng tăng lên, khi các chi phí y tế đang vượt quá mức lạm phát ở tất cả các thị trường được khảo sát.
Thế hệ trẻ của thiên niên kỷ mới là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương nhất
Đáng ngạc nhiên là những người trẻ tuổi ở các thị trường mới nổi phải đối mặt với một sự căng thẳng về tài chính cao hơn các nhóm tuổi khác, với hơn một nửa khoảng cách bảo vệ (53%) thuộc về nhóm tuổi từ 18 đến 40. Điều này có thể do họ có mức độ hiểu biết thấp hơn về nhu cầu bảo hiểm, dẫn đến tỷ lệ mua bảo hiểm thấp hơn của nhóm tuổi này. Mức thu nhập thấp hơn và sự quá tự tin về tình trạng sức khỏe của chính mình cũng đóng một vai trò quan trọng.
Lối sống giàu có dẫn đến tăng cao các bệnh tật kinh niên
Các hộ gia đình phải đối mặt với bệnh tật kinh niên là một nguyên nhân chính gây ra khoảng cách bảo vệ, chiếm tới 46%. Tỷ lệ này là cao nhất ở Philippines (77%), tiếp theo là Trung Quốc (55%) và Hồng Kông (53%), nơi các bệnh về lối sống, đặc biệt là tiểu đường, tăng huyết áp và cholesterol đang tăng cao. Sự phổ biến của các bệnh tật kinh niên được dự kiến sẽ càng trầm trọng trong bối cảnh quá trình đô thị hóa, sự lão hóa về dân số và tăng trưởng về thu nhập vẫn còn tiếp tục.
Quá tự tin về sức khỏe và khả năng chịu được chi phí y tế
60% số người được hỏi tự mô tả mình là khỏe mạnh, nhưng khoảng một phần ba số người được hỏi cho biết họ không tập thể dục nhiều hơn một lần mỗi tháng. Trong khi đó, có 61% người hút thuốc hàng ngày tự coi mình là khỏe mạnh. Những người tự coi mình khỏe mạnh thường có khuynh hướng để cho hợp đồng bảo hiểm y tế hết hạn. Xu hướng này đặc biệt nổi bật ở các thị trường mới nổi với 53% số người được hỏi tự cho rằng mình khỏe mạnh đã từng để cho hợp đồng bảo hiểm của họ bị mất hiệu lực trong quá khứ, so với 41% người tự cho rằng mình không được khỏe mạnh. Một nguyên nhân có thể là do các sản phẩm bảo hiểm y tế hiện tại không làm tăng thêm giá trị cho các khách hàng tự cho rằng mình khỏe mạnh.
“Mặc dù châu Á đang phát triển nhanh chóng và mọi người đang trở nên giàu có hơn, khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với giá cả phải chăng vẫn tiếp tục là một thách thức trong xã hội của chúng ta. Điều này là không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay,” theo ông Robert Burr, Giám đốc điều hành phụ trách bộ phận Life & Health Customer Markets Asia của Swiss Re, cho biết. “Nghiên cứu này xác định các yếu tố khác nhau gây ra khoảng cách bảo vệ sức khỏe trên toàn Châu Á. Đã đến lúc tất cả những bên liên quan – các chính phủ, các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các nhà bảo hiểm/tái bảo hiểm và các tổ chức phi chính phủ – cần phải phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.”
Lê Minh
Asia Insurance Review