Tính đến hết ngày 20/9/2019, doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm đạt mức 109.871 tỷ đồng, tăng 20% (so với cùng kỳ năm 2018).

Tuy nhiên, kỳ vọng với việc các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện hiệu quả hoạt động và lãi suất tiền gửi tiếp tục giữ ở mức cao như hiện tại, khiến cho lợi nhuận sau thuế toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng từ 15% – 20% trong năm nay.

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 10 – 12%

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 20/9/2019, doanh thu phí gốc ngành bảo hiểm đạt mức 109.871 tỷ đồng, tăng 20% (so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, doanh thu phí gốc bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức 37.299 tỷ đồng, tăng 12%.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) kỳ vọng, trong năm 2019, doanh thu phí gốc toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 10% – 12%. “Với kỳ vọng nhu cầu tăng cao do cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ bảo hiểm phi nhân thọ/GDP của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp (chỉ mới 1,3% so với mức từ 3% – 4% trong khu vực thị trường đang phát triển), phí bảo hiểm phi nhân thọ/người ở mức thấp (chỉ 21 USD/người so với 70 USD/người tại thị trường đang phát triển)” – BSC phân tích.

Số liệu thống kê cho thấy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong quý II/2019 tăng trưởng mạnh, chủ yếu đến từ tăng doanh thu tài chính. Do cạnh tranh cao, lợi nhuận thuần từ nghiệp vụ bảo hiểm của các doanh nghiệp chỉ tăng trưởng nhẹ khoảng 3,8%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 572 tỷ đồng (tăng 21,8%) nhờ việc cải thiện lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tính sang quý III, nhìn chung các kết quả kinh doanh toàn ngành vẫn duy trì đà tăng tích cực, tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận có sự phân hóa, chẳng hạn như PVI: Lãi ròng 9 tháng vẫn ghi nhận tăng tốt, nhưng doanh thu và lợi nhuận quý III lại sụt giảm trên 30%.

Mặc dù vậy, trong năm 2019 này, BSC vẫn kỳ vọng với việc các doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện hiệu quả hoạt động thông qua việc áp dụng công nghệ giúp giảm thiểu chi phí, từ đó cải thiện tỷ lệ kết hợp. Cùng với đó, việc lãi suất tiền gửi tiếp tục giữ ở mức cao như hiện tại sẽ giúp cho lợi nhuận sau thuế toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng trưởng từ 15% – 20% trong năm 2019.

Định giá các doanh nghiệp đầu ngành đang tương đối rẻ

Nhiều ý kiến cho rằng, tiềm năng của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam còn rất lớn. Bởi Nhà nước đang khuyến khích phát triển các lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, điển hình là chương trình bảo hiểm nông nghiệp đã chính thức triển khai trở lại sau thời gian thí điểm… Với một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định như Việt Nam, các loại hình bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ,… sẽ tiếp tục được quan tâm, khai thác. Chính vì vậy, đây là cơ hội nền tảng giúp các doanh nghiệp bảo hiểm “tính kế”, tìm kiếm cơ hội, đi trước thị trường để có thể phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Dự kiến trong thời gian tới, Nhà nước sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành như PVI và BMI.

Nhận định về các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường từ nay tới cuối năm, BSC vẫn đưa ra đánh giá khả quan và hướng tới đầu tư trong trung, dài hạn. BSC đưa 3 nguyên nhân để lý giải cho nhận định của mình, là: Lãi suất tiền gửi tăng giúp doanh nghiệp bảo hiểm cải thiện lợi nhuận tài chính; phí gốc ngành bảo hiểm phi nhân thọ vẫn được dự báo tăng trưởng đều đặn từ 10% – 12% trong tương lai; việc áp dụng công nghệ vào hoạt động bảo hiểm giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động bảo hiểm.

Tuy nhiên, “chúng tôi xin lưu ý rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành không có nhiều đột biến và triển vọng các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ cải thiện mạnh mẽ khi các thương vụ thoái vốn, nới “room” diễn ra. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua trung và dài hạn đối với các doanh nghiệp đầu ngành khi định giá hiện tại là tương đối rẻ so với mức tăng trưởng bền vững của ngành bảo hiểm phi nhân thọ” – BSC lưu ý và khuyến nghị.

Dự kiến trong thời gian tới, Nhà nước sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành như PVI và BMI. Với việc 2 doanh nghiệp này khẳng định được vị thế trong ngành cũng như có thị phần tương đối tốt trên thị trường, BSC kỳ vọng việc thoái vốn tại 2 tổng công ty bảo hiểm này sẽ thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tăng trưởng phí bảo hiểm nhân thọ qua thời “phi mã”

Vietcombank muốn thoái vốn khỏi công ty bảo hiểm nhân thọ

Đúng, sai chuyện từ chối bồi thường vì khai báo thiếu trung thực

Duy Thái

Thời Báo Tài Chính

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây