Trên thế giới, nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh rất phố biến nhưng ở Việt Nam, nghiệp vụ này khá mới mẻ khi các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đăng ký chưa nhiều, và doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh còn tương đối khiêm tốn.

Bảo hiểm bảo lãnh là hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo đó DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài chấp nhận rủi ro của người được bảo lãnh, trên cơ sở người được bảo lãnh đóng phí bảo hiểm để DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Về nguyên tắc, bên được bảo lãnh phải nhận nợ và hoàn trả cho DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc DNBH, chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Thống kê cho thấy, ở các nước phát triển, các sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh đa dạng, phí bảo hiểm bảo lãnh chiếm từ khoảng 1,5-2% trên tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ, trong khi tỷ lệ này ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 0,09%. Theo số liệu thống kê năm 2016, phí bảo hiểm bảo lãnh ở Mỹ đạt 16.917 triệu USD, chiếm 2,1% phí bảo hiểm phi nhân thọ; ở Đức đạt 1.769 triệu USD, chiếm 1,5% phí bảo hiểm phi nhân thọ; ở Hàn Quốc đạt 1.363 triệu USD, chiếm 2% phí bảo hiểm phi nhân thọ. Trong khi đó, tại Việt Nam, đến nay, chỉ có SGI và BIC phát sinh doanh thu phí nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Trong đó, tính đến hết tháng 9/2018, doanh thu phí bảo hiểm gốc nghiệp vụ này đạt 31,2 tỷ đồng, trong đó SGI là 30 tỷ đồng, BIC là 1,2 tỷ đồng, chiếm 0,09% tổng phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2017.

Thực tế cho thấy, tùy vào điều kiện và quy mô nền kinh tế, hệ thống pháp luật của mỗi nước khác nhau mà phân loại sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh là sản phẩm bảo hiểm đặc thù. Tại những nước phát triển, bảo hiểm bảo lãnh được xem như một phương tiện chính sách cho sự phát triển kinh tế, ngăn ngừa thi công kém và nhũng nhiễu, thúc đẩy xuất khẩu. Việc vận hành sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh đòi hỏi phải có tính chuyên môn về quản lý rủi ro nên cần xuất phát từ các công ty chuyên ngành do Nhà nước làm chủ đạo rồi phát triển lên hoặc đưa về công ty con trong Tổng công ty chuyên về bảo hiểm. Cụ thể như ở Mỹ, cho phép công ty chuyên ngành bảo hiểm bảo lãnh (khoảng 20 công ty) và DNBH phi nhân thọ kiêm cung cấp sản phẩm bảo lãnh. Ở Đức, cho phép công ty chuyên về bảo hiểm bảo lãnh và DNBH phi nhân thọ kiêm cung cấp sản phẩm bảo lãnh. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, cho phép DNBH phi nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh.

Về sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh, thị trường Mỹ và Đức chủ yếu cung cấp sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, bảo lãnh lòng trung thành, bảo lãnh tại tòa, bảo lãnh thông quan (Mỹ). Ở thị trường Nhật Bản chủ yếu cung cấp sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, bảo lãnh ba bên, bảo lãnh tín dụng. Ở thị trường Hàn Quốc, chủ yếu cung cấp sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ, bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh thông quan.

Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh đang cung cấp trên thị trường gồm bảo hiểm bảo lãnh lòng trung thành, bảo hiểm bảo lãnh tính pháp lý (như sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh nộp thuế, xin cấp phép, bảo lãnh đặt cọc tại tòa…), bảo hiểm bảo lãnh nghĩa vụ thực hiện (như sản phẩm bảo hiểm bảo lãnh dự thầu, thực hiện hợp đồng, ứng trước, bảo lãnh…), bảo hiểm bảo lãnh tín dụng. Theo các chuyên gia bảo hiểm, với khá nhiều điều kiện thuận lợi, trong tương lai gần, bảo hiểm bảo lãnh ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển.

Tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA thâu tóm toàn quyền kiểm soát liên doanh Trung Quốc

Bamboo Airways dự tính mua bảo hiểm của Pjico, mua nhiên liệu bay của Petrolimex Aviation

Tọa sơn quan hổ đấu: Prudential “xoay trục về châu Á”, cùng AIA tranh ngôi bá chủ

Tập chí Tài Chính

 

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây