Nếu không có bảo hiểm y tế, gia đình Lợi không thể trả nổi chi phí điều trị. (ảnh: Diệu Linh)

Nhà nghèo bệnh trọng

Đến thăm nhà Nguyễn Văn Lợi (SN 1988), chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Đang tuổi xuân phơi phới nhưng giờ Lợi phải nằm liệt tại chỗ. Người mẹ già hơn 70 tuổi là người chăm sóc anh. Tay run rẩy, bà không ngừng xoa bóp đôi chân đã dần dần mất đi sự sống của con trai. Trong nhà chỉ có hai mẹ con chăm sóc lẫn nhau. Cả gia tài không có gì đáng giá tiền triệu.

Hơn 1 năm trước, Lợi đang làm công nhân ở TP.HCM thì không may trượt chân rơi từ tầng 4 xuống. Tuy thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” nhưng anh bị chấn thương rất nặng. Số tiền viện phí điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) lên đến 120 triệu đồng, nhưng vì ở diện cận nghèo nên Lợi  được Quỹ BHYT chi trả đến 95%. Đến tháng 10/2018, Lợi lại phải nhập viện do bị nhiễm trùng huyết. Lần này viện phí lên đến 73 triệu đồng. “Lúc Lợi mới bị tai nạn, trong nhà chỉ có hơn chục triệu đồng, cũng là tiền lương chú ấy đi làm hơn 8 tháng gửi về cho mẹ. Nếu không có BHYT chắc chú em tôi chờ chết” – chị Phan Thị Tâm, người thân của Lợi chia sẻ.

Cũng lâm vào đường cùng, chị Phạm Thị Lan (SN 1985, trú tại xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) được chẩn đoán bị u tủy. Chi phí cho hơn 2 lần điều trị trong năm 2019 lên đến hơn 145 triệu đồng. Chị Lan chia sẻ, nếu không có BHYT chi trả thì chắc chị đã bỏ điều trị, chịu chết. “Lúc mạnh khỏe, tôi luôn cảm thấy tấm thẻ BHYT chả cần thiết, nhưng bây giờ, chính tấm thẻ đó đã cứu sống tôi, cho tôi hy vọng để chống chọi với bệnh tật” – chị Lan tâm sự.

Theo ông Phạm Thanh Tùng – Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình, Quảng Bình đã chi trả cho hàng trăm trường hợp có chi phí y tế lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều trường hợp nhà nghèo, bệnh trọng như anh Lợi, chị Lan, nếu như không có thẻ BHYT, họ chắc chắn sẽ khó có thể điều trị lâu dài.

Nhờ hiểu được giá trị của thẻ BHYT, tại Quảng Bình, người dân đã tham gia BHYT khá đông. Cuối năm 2018, tỷ lệ này là hơn 90%. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 7/2018, số người tham gia BHYT còn 788.000 người, đạt tỷ lệ 88,01%, giảm tới hơn 46.000 người.

Ông Tùng lý giải, số người tham gia BHYT giảm thuộc nhóm đối tượng vừa được cấp phát thẻ BHYT miễn phí vì đây là người dân bị ảnh hưởng do vụ Formosa 2 năm trước. “Chúng tôi đang vận động các đối tượng này tham gia BHYT trở lại. Tôi tin chắc, với lợi ích thiết thực, nhìn thấy trước mắt, người dân sẽ sớm tham gia BHYT” – ông Tùng nói.

Nhiều ca viện phí lên đến cả tỷ đồng

Nhờ có Quỹ BHYT mà nhiều bệnh nhân nghèo đã được cứu sống. Thậm chí, với các ca bệnh lên đến tiền tỷ, điều trị dài ngày, cả người giàu cũng khóc nếu không có “cứu cánh” của BHYT.

Ông Đàm Hiếu Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Thanh toán đa tuyến và giám định BHYT khu vực phía Bắc của BHXH Việt Nam cho biết, theo thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, từ năm 2017 đến tháng 6/2019, bệnh nhân Phan Hữu N (35 tuổi, ngụ huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) mắc bệnh về máu hiện điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã được Quỹ BHYT chi trả số tiền điều trị bệnh lên tới gần 13 tỷ đồng.

Ngoài anh N, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều bệnh nhân cũng được Quỹ BHYT thanh toán số tiền điều trị hàng tỷ đồng. Ví dụ như bệnh nhân Đào Văn H (Thái Nguyên, 4,8 tỷ đồng); Quách Thị Hoài A (Bình Định, 2,6 tỷ đồng); Nguyễn Trường S (TP.HCM, 2,4 tỷ đồng); Bùi Văn T (Hà Nam, 1,8 tỷ đồng); Lê Văn Q (Khánh Hòa, 1,4 tỷ đồng) và Phan Khắc H (Hà Nội, 1,2 tỷ đồng)…

Như vậy, với mệnh giá thẻ BHYT như hiện nay (hơn 800.000 đồng/năm), người dân chỉ bỏ ra chưa đầy 70.000 đồng/tháng nhưng nếu ốm đau, chỉ cần 1-2 lần “viêm họng, cảm cúm” thì viện phí cũng đã hết tiền triệu. Còn nếu bị bệnh trọng, tai nạn bất ngờ, với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, BHYT thực sự là cứu cánh cho người bệnh và gia đình của họ.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi ốm đau, tai nạn. Hiện nay, ở nước ta tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả có được từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Diệu Linh

Theo Dân Việt

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây