Tập đoàn bảo hiểm Ping An (Group) Co. của Trung Quốc đang cân nhắc một thương vụ khổng lồ để mua lại mảng kinh doanh tại châu Á của Prudential, theo những nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết, trong một động thái sẽ định hình lại ngành bảo hiểm đang bùng nổ của châu Á và đánh dấu thương vụ mua bán sát nhập lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.
Ping An đã tham khảo ý kiến của chính phủ Trung Quốc về việc liệu chính phủ có hỗ trợ cho thương vụ này hay không, theo một trong những nguồn tin cho biết. Tập đoàn bảo hiểm có trụ sở tại Thẩm Quyến cũng đã thảo luận về các phương án lựa chọn cấp vốn tiềm năng với các ngân hàng, theo một nguồn tin khác cho biết và yêu cầu không được tiết lộ danh tính vì thông tin nhạy cảm.

Với mức vốn hóa thị trường trị giá 160 tỉ đô la, Ping An chỉ thua tập đoàn bảo hiểm tài chính Mỹ Berkshire Hathaway Inc. trong ngành bảo hiểm. Chỉ riêng tiền mặt của tập đoàn này đã lớn hơn mức vốn hóa thị trường của tất cả các công ty bảo hiểm trên toàn cầu, trừ 5 công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới. Chiến lược của Ping An cho thấy giờ đây tập đoàn này đã sẵn sàng để biến khoản tiền mặt đó thành hỏa lực tài chính, kết hợp với trình độ chuyên môn đã thu thập được qua hàng chục giao dịch M&A trong năm năm qua, để tiến hành một giao dịch thôn tính khổng lồ có thể mang lại hơn 30 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Các cuộc thảo luận đang ở giai đoạn đầu, theo các nguồn tin cho biết, và chưa rõ thương vụ giành quyền kiểm soát Prudential châu Á sẽ được cấu trúc như thế nào. Prudential U.K. chưa được tiếp cận, theo một nguồn tin cho biết. Cổ phiếu của Prudential đã tăng vọt 3.7% tại thị trường chứng khoán London hôm thứ Tư vừa qua khi thông tin về thương vụ này bị rò rỉ, mức tăng lớn nhất kể từ ngày 14/3.
Cả hai công ty đều từ chối đưa ra bình luận.

Nhiều rào cản
Mảng doanh nghiệp của Prudential ở châu Á, bao gồm đơn vị quản lý tài sản Eastspring, có thể trị giá 40 tỷ bảng Anh (51.5 tỷ đô la), theo ước tính tổng hợp từ chuyên gia phân tích chứng khoán, ông Barrie Cornes, thuộc ngân hàng đầu tư Panmure Gordon & Co. Những bên mua tiềm năng cũng có thể phải trả giá cao hơn mức định giá nói trên để giành quyền kiểm soát, ông Cornes cho biết. Đây là thương vụ thôn tính lớn nhất từ trước đến nay của Ping An, và có thể sẽ là một trong những giao dịch mua bán sát nhập ở nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc, trong bối cảnh ngày càng có sự phản kháng chống lại dòng tiền đầu tư đến từ Trung Quốc.
Theo chuyên gia phân tích ngành bảo hiểm Steven Lam của Bloomberg, bất kỳ thương vụ mua bán nào cũng có nhiều rào cản, ít nhất là phải trả một mức giá đắt. Tăng trưởng của ngành bảo hiểm nhân thọ, ngành chăm sóc sức khỏe và ngành công nghệ tài chính fintech của Trung Quốc “đã đủ để giữ cho Ping An bận rộn trong những năm tới,” ông nói. “Tuy nhiên, việc mở rộng kinh doanh ở nước ngoài vẫn là một tiềm năng.”
Ping An có khoảng 81 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền tính đến 31/3 sau khi tạo ra 26 tỷ USD dòng tiền tự do trong quý đầu tiên, theo dữ liệu được biên soạn bởi Bloomberg cho thấy.
Giá cổ phiếu của Ping An đã giảm 13% trong năm nay tại thị trường chứng khoán Hồng Kông, khiến cho giá trị thị trường của tập đoàn sụt giảm xuống còn 160 tỷ USD. Prudential có mức vốn hóa thị trường 46 tỷ bảng Anh vào cuối ngày thứ Ba vừa rồi.
Viễn cảnh lạc quan về châu Á
Prudential có tầm nhìn lạc quan về châu Á và sẽ không xem xét việc bán doanh nghiệp của mình trong khu vực này, theo Giám đốc điều hành ông Mike Wells cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg hôm thứ Tư vừa qua. “Đây là một thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh, với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn rất thấp”, có nhiều cơ hội để phát triển mảng kinh doanh quản lý tài sản.

Lợi nhuận hoạt động nửa đầu năm nay từ mảng kinh doanh châu Á của Prudential đã tăng 14 phần trăm lên 1.02 tỷ bảng Anh (1.3 tỷ đô la Mỹ) trên cơ sở tỷ giá hối đoái liên tục, theo tập đoàn bảo hiểm này cho biết hôm thứ Tư vừa qua. Châu Á đóng góp khoảng 42% tổng lợi nhuận hoạt động của Prudential trong giai đoạn này, tăng so với mức 35% cho toàn bộ năm ngoái, theo dữ liệu được biên soạn bởi Bloomberg cho thấy.
Giám đốc điều hành ông Wells đang có kế hoạch bán đi mảng kinh doanh ở Anh để tập trung vào các thị trường phát triển nhanh hơn như châu Á. Tập đoàn bảo hiểm với lịch sử 170 năm phát triển cũng sẽ giữ lại mảng kinh doanh ở châu Phi và châu Mỹ, trong khi tách bộ phận M&G Prudential – được thành lập năm ngoái thông qua việc kết hợp mảng kinh doanh quản lý tài sản ở Anh với các tài sản bảo hiểm ở châu Âu – để trở thành một công ty mới.
Ping An đang phải chịu áp lực trong việc tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới, sau khi chính phủ Trung Quốc đưa ra các biện pháp kiểm soát rủi ro tài chính, làm hạn chế triển vọng tăng trưởng của các tập đoàn bảo hiểm quốc gia. Ping An đang tích cực mua lại cổ phần trong các công ty niêm yết, trong đó có tập đoàn phát triển bất động sản China Fortune Land, và tham gia vào thương vụ hủy niêm yết của công ty Qihoo 360 Technology Co. trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 2016 và bán lại công ty này với mức giá cao hơn nhiều lần giá trị trước đó trên thị trường chứng khoán Thượng Hải.
Ping An đang đi trước các đối thủ của mình về chiến lược đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, theo chuyên gia Lam cho biết. Ping An đang tiến hành thương vụ giá trị nhiều tỷ đô la để thôn tính một công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc là Biologic Products Holdings Inc., cùng với hàng loạt các khoản đầu tư vào các công ty sản xuất đông dược truyền thống của Trung Quốc, bao gồm các công ty Yunnan Baiyao Group Co. và công ty Tsumura & Co. của Nhật Bản.
Đại lý bảo hiểm lo sợ mất thu nhập vì kênh bán bảo hiểm trực tuyến
Trung Quốc tiếp tục chiến dịch thanh trừng tại cơ quan quản lý giám sát bảo hiểm
Lê Minh
Theo Bloomberg