Khi một bé gái 5 tuổi ở Thượng Hải bị tổn thương não vào cuối năm ngoái sau khi rơi khỏi giường tầng, hàng triệu người lạ trên khắp Trung Quốc đã giúp bé thanh toán hóa đơn phẫu thuật.
Gia đình của đứa trẻ này đã không phải trả trước bất cứ khoản nào cho bảo hiểm, và nhận được khoản thanh toán 300,000 nhân dân tệ (khoảng 44,730 đô la Mỹ), do mỗi người đóng góp chỉ phải bỏ ra 0.03 nhân dân tệ (khoảng nửa xu).
Các công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Internet ở Trung Quốc đã có những bước tiến đột phá trong các ngành công nghiệp ngân hàng, thanh toán và cho vay, và hiện nay đang cố gắng lấp đầy những khoảng trống thiếu sót trong lĩnh vực bảo hiểm sức khỏe.
Tháng 10 năm ngoái, Tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Financial của tỷ phú Jack Ma đã triển khai một sản phẩm “bảo vệ lẫn nhau” cho những người sử dụng dịch vụ Alipay, một mạng lưới thanh toán cực kỳ phổ biến của công ty này, và cho đến nay đã đăng ký được 50 triệu người tham gia. Sản phẩm bảo hiểm này cung cấp các khoản thanh toán một lần cho 100 loại thương tích hoặc bệnh tật nghiêm trọng, bao gồm các khối u ung thư và một số loại bệnh tê liệt. Ant Financial vừa cho biết trong tháng này rằng công ty đang nhắm tới mục tiêu đạt 300 triệu người tham gia trong vòng hai năm tới.
Ant Financial là một trong khoảng một chục công ty khởi nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đang cố gắng thu hút thêm nhiều người đăng ký bảo hiểm sức khỏe theo hình thức gọi vốn từ cộng đồng cho chính họ, hoặc thay mặt cho con cái và cha mẹ già của họ. Ngay cả gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe là Didi Chuxing Technology Co. của Trung Quốc cũng đã tung ra một sản phẩm tương tự vài tháng trước.
Đứa trẻ ở Thượng Hải vừa trải qua ca phẫu thuật não vào tháng 11 năm ngoái là người thụ hưởng đầu tiên của sản phẩm Xiang Hu Bao của Ant Financial. Công ty từ chối cung cấp chi tiết liên lạc của gia đình đứa trẻ này.
Có 18 cá nhân khác, tính đến đầu tháng này, đã nhận được khoản thanh toán từ sản phẩm hỗ trợ lẫn nhau của Ant, và tiền đóng góp của mỗi thành viên đã giảm xuống còn khoảng 0.01 nhân dân tệ cho mỗi yêu cầu bồi thường, được thanh toán qua Alipay. Ant Financial cho biết họ thu 8% “phí hành chính” cho mỗi giao dịch thanh toán.
Các công ty fintech nhấn mạnh các sản phẩm hỗ trợ gọi vốn từ cộng đồng của họ không phải là sản phẩm bảo hiểm, nhằm tránh vi phạm các quy định của nhà nước. Ant Financial ban đầu kết hợp với một công ty bảo hiểm Trung Quốc có giấy phép, khi lần đầu tiên ra mắt sản phẩm “bảo vệ lẫn nhau”, nhưng đã chấm dứt quan hệ hợp tác sau khi cơ quan quản lý Trung Quốc cáo buộc công ty bảo hiểm này đã có các vi phạm về tiếp thị gây nhầm lẫn và công bố thông tin không đầy đủ.
Ý tưởng chung của sản phẩm này là các số tiền nhỏ có thể được gộp thành một khoản tiền lớn. Dân số khổng lồ Trung Quốc có nghĩa là chi phí khai thác bảo hiểm về mặt lý thuyết sẽ có thể được chia điều cho hàng trăm triệu người, với chi phí không đáng kể cho mỗi cá nhân.
Khi những người tham gia nộp đơn yêu cầu bồi thường, các công ty nói rằng họ phải xác minh thông tin được cung cấp trước khi thực hiện thanh toán. Điều đó có thể bao gồm phỏng vấn các cá nhân, xem xét hồ sơ sức khỏe của họ, và liên hệ với các bệnh viện mà họ đã tìm cách điều trị.
Liu Xucheng, một chuyên gia thương mại điện tử 26 tuổi ở Hàng Châu, cho biết anh đã đăng ký sản phẩm hỗ trợ lẫn nhau của Ant Financial năm ngoái. Vào tháng 3, khi con gái mới sinh của anh được 30 ngày tuổi, anh cũng đã đăng ký bảo hiểm cho bé.
Ông Liu và các thành viên gia đình cũng tham gia vào một sản phẩm “bảo vệ lẫn nhau” tương tự có tên là Shuidi Huzhu. Cho đến nay, ông Liu cho biết, gia đình ông đã đóng góp khoảng 50 nhân dân tệ mỗi năm cho những yêu cầu bồi thường bảo hiểm của người khác trên hai nền tảng này.
“Vì chi phí thấp, việc này có thể chấp nhận được,” ông Liu nói, mô tả phạm vi bảo hiểm của sản phẩm là một sự bảo vệ cơ bản.
Hơn 90% dân số Trung Quốc hiện sở hữu một số hình thức bảo hiểm sức khỏe công cộng, bao gồm thanh toán các loại thuốc cơ bản và phần lớn chi phí nhập viện sau khi đã được khấu trừ. Bệnh nhân thường phải chịu chi phí cao từ tiền túi bỏ ra để chi trả cho các loại thuốc nhập khẩu và các phương pháp điều trị y tế tốn kém hơn, và nhiều người không có khả năng mua bảo hiểm sức khỏe thương mại.
“Theo một nghĩa nào đó, nó là một sự thay thế cho bảo hiểm,” ông Xia Xiaei, phó giáo sư bảo hiểm và kinh tế tại Đại học Kinh tế và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, nói về các sản phẩm “bảo vệ lẫn nhau” được cung cấp bởi các công ty khởi nghiệp.
Ông Junlin, một chuyên gia tài chính 28 tuổi ở thành phố Thành Đô, phía tây nam, đã tham gia nền tảng bảo vệ lẫn nhau của Ant Financial hồi tháng 11 năm ngoái. Cho đến nay, anh cho biết, anh đã chi trả ít hơn 0.1 nhân dân tệ cho những yêu cầu bồi thường của người khác trong suốt 5 tháng kể từ khi trở thành thành viên.
“Tôi còn trẻ. Khả năng bị bệnh là thấp, vì vậy tôi nghĩ rằng chỉ cần đăng ký sản phẩm Xiang Hu Bao là đủ,” anh nói, giải thích lý do tại sao không mua bảo hiểm sức khỏe thương mại cho chính mình.
Bên cạnh nguy cơ bị ngăn trở bởi cơ quan quản lý đối với một ngành công nghiệp đang nhen nhóm, cũng không có gì đảm bảo các công ty khởi nghiệp fintech sẽ vẫn còn tồn tại để thanh toán các yêu cầu bồi thường trong dài hạn, đặc biệt là nếu bản thân các công ty này có thể gặp khó khăn về tài chính.
“Nếu các công ty khởi nghiệp công nghệ thất bại, mọi người sẽ bị bỏ rơi, không có được sự bảo vệ mà họ nghĩ rằng họ đang có,” theo bà Chen Dongmei, phó giáo sư bảo hiểm tại Đại học Fudan ở Thượng Hải, cho biết. Bà cũng nói thêm rằng đó là một rủi ro lớn đối với người tiêu dùng.
Ông Shen Peng, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Shuidi Huzhu – dịch sang tiếng Anh là Waterdrop Mutual Help – cho biết ý tưởng đằng sau nền tảng của công ty này là mọi người có thể “sử dụng một số tiền nhỏ để đối phó với những căn bệnh lớn.” Những nhà đầu tư đứng đằng sau công ty khởi nghiệp bao gồm hai gã khổng lồ về internet của Trung Quốc, các tập đoàn Tencent Holdings Ltd. và Meituan Dianping, và nền tảng này đã có tới hơn 78 triệu thành viên.
Shuidi Huzhu cung cấp nhiều loại sản phẩm “bảo hiểm lẫn nhau” khác nhau, bao gồm cả một sản phẩm thực hiện thanh toán cho những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Công ty này hiện nay vẫn chưa có lãi, theo ông Shen cho biết và nói thêm rằng, mục tiêu hàng đầu của công ty là giúp phục vụ lợi ích xã hội.
Ông Shen cho biết nhiều người tham gia chương trình bảo hiểm của công ty sống ở các thành phố nhỏ hơn và không mua nổi bảo hiểm thương mại. Cho đến nay, nền tảng này đã chi ra tổng cộng hơn 400 triệu nhân dân tệ cho 3,000 người mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong một trường hợp được mô tả trên trang web của mình, ông Yan Guohua, một nông dân 62 tuổi ở Huai’an, một thành phố nhỏ ở miền đông Trung Quốc, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi vào tháng Một đầu năm nay. Là một thành viên của chương trình Shuidi Huzhu dành cho người cao tuổi, ông đã nhận được khoản thanh toán lên tới 30,061 nhân dân tệ trong tháng 3 này. Trong 380 ngày làm thành viên, ông Yan đã trả tổng cộng 15.7 nhân dân tệ. Ông Yan đã không thể liên hệ được để yêu cầu đưa ra bình luận.
Bảo hiểm nhân thọ định vị lại thương hiệu, chờ bùng nổ
Ngân hàng hái quả ngọt từ cuộc đua bán bảo hiểm
Vụ tàu cá ở Quảng Bình: Buộc Bảo Việt bồi thường cho ngư dân hơn 3 tỷ đồng
Lê Minh
Theo Wall Street Journal