"Bây giờ yêu cầu phải có chính quyền địa phương, công an xác nhận tai nạn, phải chụp hiện trường đủ điều. Trong khi đó, khi gặp người bị tai nạn việc đầu tiên là phải bế đi cấp cứu ngay. Nhưng chắc chắn không được bồi thường vì DN bảo hiểm nói anh tự động di chuyển. Lúc đó ai kịp lập biên bản?" Ảnh minh họa.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Nguyên Đán (giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) nói:

– Bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới được lập nên và áp dụng với mục đích chính là bảo vệ bên thứ ba – người bị tai nạn. Do đó, cơ chế thanh toán bồi thường phải theo hướng dễ dàng và thuận lợi để người bị nạn nhanh được hỗ trợ.

Quy định đang bảo vệ doanh nghiệp

* Nhưng với quy định hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng cả người mua bảo hiểm và bên thứ ba bị nạn (nếu có) đều gặp khó?

– Đúng vậy. Hiện các điều luật chi phối giữa người được bảo hiểm và doanh nghiệp (DN) bảo hiểm chứ không liên quan đến người bị hại, như vậy về nguyên lý theo tôi là sai.

Bên thứ ba bị nạn không được phép khiếu nại, đòi bồi thường trực tiếp công ty bảo hiểm, ngoại trừ người gây tai nạn chết. Nếu người gây ra tai nạn bỏ trốn, chối bỏ trách nhiệm dân sự thì DN bảo hiểm có quyền từ chối trách nhiệm bồi thường.

Theo tôi, hiện tất cả quy định đang hướng đến bảo vệ DN bảo hiểm, không bảo vệ người bị hại, sai tinh thần của bảo hiểm.

* Rất nhiều trường hợp gửi đến Tuổi Trẻ cho thấy họ bị từ chối bảo hiểm. Nhiều lý do từ chối thường thấy của DN bảo hiểm là vô lý?

– Tôi từng tiếp nhận trường hợp xe cẩu của người dân vướng vào dây điện, rõ ràng gây thiệt hại cho bên thứ ba là điện lực vì làm mất điện nên điện lực yêu cầu phải di chuyển cẩu ra để nối lại dây điện. Nhưng cuối cùng bảo hiểm không bồi thường và nói là chủ xe đã tự ý di chuyển, tháo gỡ, sửa chữa tài sản.

* Như vậy quy định bất cập không chỉ ảnh hưởng tới người mua bảo hiểm, mà cả bên thứ ba bị thiệt hại?

– Người gây tai nạn có đủ tài chính bồi thường cho người bị tai nạn hay không phụ thuộc vào việc họ có lấy được tiền bảo hiểm không.

Bây giờ yêu cầu phải có chính quyền địa phương, công an xác nhận tai nạn, phải chụp hiện trường đủ điều. Trong khi đó, khi gặp người bị tai nạn việc đầu tiên là phải bế đi cấp cứu ngay. Nhưng chắc chắn không được bồi thường vì DN bảo hiểm nói anh tự động di chuyển. Lúc đó ai kịp lập biên bản?

Nói công an lập biên bản thì công an trả lời lúc đó không có mặt ở đó, thường là không được bồi thường.

* Việc yêu cầu người dân phải trực tiếp đi thu thập các tài liệu để đòi bồi thường, kể cả đến công an, theo ông có hợp lý?

– Trách nhiệm thu thập các tài liệu và chứng cứ vốn dĩ thuộc về DN bảo hiểm (theo nguyên lý bảo hiểm) vì họ có nguồn lực thuận lợi hơn để làm cũng như phù hợp với tinh thần “bảo hiểm” cho khách hàng.

Tuy nhiên khi cơ quan quản lý nhà nước quy định “DN bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp thu thập giấy tờ” thì các DN bảo hiểm lại hiểu rằng khách hàng có trách nhiệm chứng minh, và họ dồn việc đó cho khách hàng. Điều này là trái với tinh thần bảo hiểm.

Công ty bảo hiểm như quan tòa

* Với quy định như trên, DN bảo hiểm đứng trên “thượng đế” của họ?

– Các công ty bảo hiểm hiện giờ đang đóng vai trò giống như một “quan tòa”. Điều đó là không được phép. Rõ ràng, khách hàng đáng ra chỉ cần gửi yêu cầu thông báo. Trách nhiệm của DN bảo hiểm phải giả định rằng khách hàng xứng đáng được bồi thường. Công ty có quyền tìm chứng cứ ngược lại nhưng không có thì phải bồi thường.

* Quy định đang tạo hình ảnh bảo hiểm rất xấu, theo ông, đã đến lúc cần sửa quy định?

– Không thể trông đợi công ty bảo hiểm tự giác. DN phải chú trọng lợi nhuận. Luật được làm ra để bảo vệ sự công bằng, bảo vệ kẻ yếu.

Khi bảo hiểm thân thiện hơn, mọi người mua nhiều hơn, quỹ bảo hiểm càng lớn, càng dễ bồi thường. Nếu người dân nghĩ mua cũng không đòi tiền được, họ mua mức thấp nhất cho xong. Việc xử lý các bất cập đã nêu sẽ góp phần cải thiện hình ảnh bảo hiểm vốn đã rất “xấu xí” trong mắt người dân hiện nay.

Nhiều nước người dân chỉ cần thông báo

“Nhiều quốc gia tiên tiến quy định rất rõ: người tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới khi gây tai nạn phải lập tức thông báo cho nhà bảo hiểm biết. Kể từ khi thông báo xong, họ không cần phải thu thập bất kỳ giấy tờ gì, kể cả các hóa đơn sửa chữa xe! Chính các DN bảo hiểm sẽ xử lý hầu hết các công đoạn.

Thêm vào đó, họ còn có cơ chế cho phép người bị gây ra tai nạn được trực tiếp thu đòi bồi thường từ nhà bảo hiểm của bên gây ra tai nạn. Một phần vì thế nên khi va chạm, họ ứng xử với nhau văn minh.

Ở châu Âu, nhiều nước không giới hạn số tiền bồi thường. Nếu anh gây tai nạn cho bên thứ ba, thiệt hại tới đâu quỹ bảo hiểm sẽ bồi thường tới đó. Họ cho rằng người bị hại là người cần được hỗ trợ. Tại VN, chính vì cơ chế mà nhiều người không muốn mua bảo hiểm” – ông Trần Nguyên Đán nói.

Quy định ngược, khó các bên

Theo ông Trần Nguyên Đán, Bộ Tài chính quy định DN bảo hiểm phải phối hợp với khách hàng là không đúng. Phải lật ngược lại: DN bảo hiểm phải đi thu thập toàn bộ chứng cứ, còn người chủ xe chỉ cần phối hợp.

Hiện nay nhiều người dân chán nản cùng cực với bảo hiểm, đôi khi không phải vì bảo hiểm xấu mà vì cách công ty bảo hiểm chi trả bồi thường quá tệ. Ông Đán cho rằng chính các công ty bảo hiểm cũng bị chi phối bởi quy định của Bộ Tài chính. Bởi nếu bồi thường sai quy định, Bộ Tài chính xuống thanh tra có quyền xử phạt công ty bảo hiểm.

Hiệu lực giấy chứng nhận kiểm định: Vấn đề chủ xe cơ giới cần lưu tâm

Bị từ chối bảo hiểm vì câu chữ ‘cài cắm’

Chuyện bảo hiểm: Đừng dồn cái khó cho ‘thượng đế’

BÔNG MAI thực hiện

Theo Tuổi Trẻ

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây