Hơn 50% dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035 so với 11% vào năm 2015.
Song song đó, nhu cầu tiết kiệm, đầu tư, sở hữu xe ôtô… dự báo sẽ thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm cá nhân tăng trưởng trong thời gian tới.
Đây là nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành về triển vọng thị trường bảo hiểm năm 2019.
Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng lên ngôi
Một số báo cáo khảo sát nghiên cứu chỉ ra rằng trong khi bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới nhờ tầng lớp trung lưu mở rộng, thì các dòng bảo hiểm khác như tài sản, hàng hóa, cháy nổ… lại cho thấy sự phục hồi chậm sau giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại sẽ mang lại cơ hội cho bảo hiểm tài sản và bảo hiểm hàng hóa vì các công ty được dự báo rằng có thể chuyển một phần các đơn hàng và nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Điều này có thể dễ dàng nhận thấy những quy định mới/sửa đổi mới về các loại bảo hiểm khác nhau đã tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm mới, qua đó đảm bảo mục tiêu tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, cũng như kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm đang có doanh thu thấp.
Theo bà Phạm Thị Tố Tâm, chuyên gia kinh tế tài chính, Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) đang dần trở thành kênh phân phối quan trọng, trong đó doanh thu qua kênh Bancassurance đã tăng từ 5% trong năm 2012 lên khoảng 10% hiện nay. Ngoài ra, nhiều tín hiệu cho phép kỳ vọng lợi tức đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng.
Lý giải nguyên nhân, bà Phạm Thị Tố Tâm cho rằng do ngân hàng và công ty tín dụng tiêu dùng thường yêu cầu người vay mua bảo hiểm như một điều kiện để cấp tín dụng, kênh phân phối này có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Các công ty bảo hiểm được tiếp cận với mạng lưới phân phối lớn và cơ sở khách hàng của các ngân hàng nhằm phục vụ nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm và quản lý rủi ro.
Thống kê ở nhiều quốc gia, Bancassurance đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu của các công ty bảo hiểm như Tây Ban Nha là 72%, Italy (70%), Pháp (60%)… Chính vì vậy, Bancassurance còn nhiều cơ hội để phát triển trong những năm tới tại Việt Nam, cùng với sự tác động tích cực của xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu.
Liên quan đến hành lang pháp lý của ngành bảo hiểm, các chuyên gia đánh giá điều kiện kinh doanh bảo hiểm thuận lợi hơn và kế hoạch thoái vốn của Chính phủ sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.
Bộ Tài chính đang soạn thảo nghị định mới sửa đổi Nghị định 73/2016/NĐ-BTC, quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Nghị định mới được kỳ vọng sẽ nới lỏng các điều kiện kinh doanh bảo hiểm và khuyến khích các công ty bảo hiểm nước ngoài tham gia nhiều hơn vào ngành bảo hiểm Việt Nam.
Ngoài ra, kế hoạch thoái vốn của Chính phủ đối với ngành bảo hiểm dự kiến sẽ tăng tốc vào năm 2019. Đây sẽ là một chất xúc tác cho làn sóng hợp tác đang gia tăng giữa các công ty bảo hiểm trong nước và các đối tác nước ngoài trong việc nâng cao chuyên môn bảo hiểm và trình độ quản lý.
Môi trường kinh doanh thuận lợi
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao và GDP năm 2019 sẽ đạt ở mức từ 6,8-7%. Nhu cầu về bảo hiểm tại Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng, người dân và các tổ chức kinh tế ngày càng quan tâm hơn đến bảo hiểm. Theo đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sẽ tăng trưởng trên 25%.
Tuy nhiên, trong ngành bảo hiểm cũng có sự cạnh tranh gia tăng từ chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc của Chính phủ. Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các chính sách mới có lợi cho những người tham gia chương trình này đã có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018. Vì vậy, có thể khiến nhu cầu bảo hiểm sức khỏe sụt giảm đáng kể trong những năm tới.
Đại diện Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI) cho rằng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam tăng trưởng 14%/năm trong ba năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của PGI trong cùng kỳ chỉ là 7%/năm do Công ty bám sát chiến lược kinh doanh thận trọng tập trung vào lợi nhuận. Điều này giải thích tại sao thị phần PGI liên tục giảm trong khi lợi nhuận lại tăng mạnh. Cùng với một danh mục đầu tư được quản lý tốt, Công ty trở thành một khoản đầu tư hấp dẫn trong lĩnh vực bảo hiểm.
Năm 2018, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu đạt 115.982 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 87.960 tỷ đồng, tăng 32,8% so với năm 2017 và doanh thu từ hoạt động đầu tư ước đạt 28.022 tỷ đồng, tăng 29,4% so với năm 2017.
Tất cả các doanh nghiệp đều thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ bằng hoặc cao hơn so với quy định của pháp luật, với tổng dự phòng nghiệp vụ ước đạt 219.583 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2017.
Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 50.251 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Trong đó, vốn điều lệ được tăng thêm trong năm 2018 là 19.706 tỷ đồng, tăng 136% so với năm 2017. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã giải quyết tốt quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, được khách hàng tin cậy là tấm lá chắn tài chính an toàn trước những rủi ro, với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 18.650 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017.
Ông Trần Vĩnh Đức, quyền Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, cho biết năm 2018 lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng của nền kinh tế và toàn xã hội.
Năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tính đến cuối năm 2018 cũng tiếp tục được nâng cao, với tổng tài sản ước đạt 302.370 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, trước những yêu cầu và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thị trường bảo hiểm và các doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh để thích ứng với những yêu cầu tiếp tục phát triển trong bối cảnh mới. Trong đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về bảo hiểm, tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm, cùng xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực tài chính, đào tạo cán bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm bảo hiểm mới.
Liên quan đến quản trị rủi ro, ông Huỳnh Quang Hải đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng với Bộ Tài chính phối hợp xây dựng Luật Kinh doanh bảo hiểm mới. Đặc biệt, chú trọng phân tích, đánh giá và đề xuất mô hình vốn trên cơ sở rủi ro, cách thức quản trị rủi ro nhằm phù hợp thông lệ quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đáp ứng mô hình vốn và chuẩn mực kế toán, góp phần đưa thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển./.