Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Ảnh: HOÀNG HÀ

Thế nhưng trên thực tế, xây dựng đội ngũ tư vấn viên bảo hiểm tinh nhuệ, chuyên nghiệp và tận tâm là ưu tiên chiến lược của nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ. Đặc biệt, trong bối cảnh các kênh phân phối qua ngân hàng và online ngày càng phát triển, các tư vấn viên bảo hiểm luôn phải trau dồi kiến thức, kĩ năng, sự chuyên nghiệp nếu muốn tồn tại và có chỗ đứng trên thị trường.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xung quanh nghề được coi là “đứng trên vai người khổng lồ” nhưng phải đối mặt với rất nhiều thị phi, thậm chí không được coi là một nghề nghiệp ổn định trong suy nghĩ của nhiều người.

* Hệ thống đại lý trong ngành bảo hiểm nhân thọ đã lên đến 620.000 người, nhưng không ít người vẫn chưa công nhận tư vấn bảo hiểm là một nghề nghiệp nghiêm túc, mà xem đây là một “nghề tạm”. Ông nghĩ gì về ý kiến này?

– Người đại lý chính là cầu nối giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng, giúp khách hàng hiểu thêm về tầm quan trọng của việc tạo lập một kế hoạch bảo vệ tài chính cho bản thân và gia đình. Công việc của đại lý phụ thuộc phần lớn vào lịch hẹn với khách hàng, không gò bó theo giờ hành chính nên họ cảm thấy khá thoải mái và lựa chọn đây là nghề tay trái. Tuy nhiên, trên thực tế, để trở thành những đại lý chuyên nghiệp và nhận được sự tin cậy từ khách hàng, họ phải dành đến 100% thời gian và 200% nỗ lực cho công việc.

Không một nghề nghiệp nào là dễ dàng, đối với ngành bảo hiểm – tài chính thì sự cạnh tranh càng khốc liệt và các tiêu chuẩn về uy tín, mức độ tin cậy dành cho đội ngũ tư vấn viên cũng cao hơn. Họ có thể đến từ nhiều môi trường khác nhau, kinh nghiệm sống khác nhau, thời gian làm nghề khác nhau…, nhưng điểm chung nhất là họ bán sản phẩm của những tập đoàn rất lớn, có thương hiệu nổi tiếng và tài chính vững mạnh. “Đứng trên vai người khổng lồ” nên nếu họ không có sự cam kết cao, thiếu sự nỗ lực, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ bị đào thải.

* Có ý kiến cho rằng nghề đại lý không ổn định, họ thường xuyên nhảy việc và khách hàng hoang mang không biết quyền lợi của mình bị ảnh hưởng như thế nào?

– Tôi phải nói rằng có rất nhiều đại lý bảo hiểm đã hoạt động ổn định và gắn bó với thị trường hàng chục năm. Hằng năm, các doanh nghiệp đều tổ chức các buổi lễ long trọng để tôn vinh những đại lý có cống hiến to lớn và trung thành, Hiệp hội cũng đã khen thưởng trên 10.000 đại lý bảo hiểm nhân thọ theo thâm niên cống hiến cho ngành bảo hiểm nhân thọ, trong đó có hơn 1.100 đại lý phục vụ trên 15 năm.

Doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng luôn có bộ phận chuyên môn để theo dõi hợp đồng, trước khi và sau khi phát hành hợp đồng, đồng thời cũng có bộ phận hỗ trợ đại lý. Bất kỳ đại lý nào nghỉ việc thì công ty sẽ cử đại lý khác để chăm sóc các hợp đồng hiện hữu của khách hàng.

Hiện tại, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đẩy mạnh công tác phục vụ khách hàng, tăng cường giới thiệu số hotline, các kênh liên lạc với khách hàng (trang thông tin hợp đồng của khách hàng, email, mạng xã hội, website, văn phòng chi nhánh/ giao dịch…) nên ngày càng có nhiều kênh để khách hàng có thể liên lạc tư vấn trực tiếp với công ty, giảm thiểu đi những trường hợp ngoài ý muốn do không liên lạc được với đại lý đã nghỉ việc, hoặc trong trường hợp cần xác thực thông tin.

* Bán bảo hiểm qua ngân hàng là một kênh bán hàng mới. Xin ông cho biết thêm đánh giá của ông về kênh bán hàng này?

– Bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của thị trường bảo hiểm nhân thọ khu vực châu Á nói chung. Tại thị trường Việt Nam, đây là 1 kênh phân phối quan trọng, đóng góp đáng kể về sự đa dạng các kênh phân phối và cả về doanh thu cho công ty, mặc dù hệ thống đại lý vẫn đang đóng góp đến 90% tổng doanh thu phí của các doanh nghiệp.

Bán bảo hiểm qua ngân hàng tận dụng được lợi thế của cả ngân hàng và bảo hiểm, trong đó phía bảo hiểm tận dụng được cơ số khách hàng ngân hàng có sẵn và hệ thống phòng giao dịch của ngân hàng, còn phía ngân hàng thì sản phẩm bảo hiểm bán kèm là một đảm bảo cho khoản cho vay, tăng thêm doanh thu. Về phía khách hàng thì tiện lợi trong việc mua nhiều sản phẩm tại cùng một nơi, sử dụng kết hợp với nhiều dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng như nộp phí, nhận bồi thường qua tài khoản ngân hàng. Sự phát triển của loại hình phân phối này cũng thúc đẩy cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng phải tăng cường nâng cao dịch vụ, sản phẩm để được chọn lựa là đối tác của nhau, từ đó, khách hàng có thêm nhiều cơ hội tham gia sản phẩm bảo hiểm.Tôi tin rằng kênh bancassurance còn tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

* Thưa ông liệu mua bảo hiểm nhân thọ thông qua hình thức bancassurance sẽ khiến khách hàng yên tâm hơn vì cán bộ ngân hàng vẫn đó, chi nhánh, trụ sở ngân hàng không thể “biến mất” như đại lý nên người dùng hoàn toàn yên tâm về trách nhiệm của doanh nghiệp?

– Nếu nói như vậy thì không hiểu đúng về bản chất của bảo hiểm và hoạt động giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chịu sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước về vốn, biên khả năng thanh toán… Đại lý bán bảo hiểm cho doanh nghiệp, kể cả khi họ chuyển công tác thì trách nhiệm của doanh nghiệp vẫn luôn luôn còn đó.

Còn chi nhánh, trụ sở ngân hàng không có giá trị gì đối với khả năng thanh toán, chi trả quyền lợi bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm. Ngân hàng hoạt động với tư cách tương tự đại lý, họ không có trách nhiệm chi trả quyền lợi bảo hiểm mà đó là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, nên nói cán bộ ngân hàng, chi nhánh còn đó thì người dùng hoàn toàn yên tâm về trách nhiệm là chưa hiểu đúng bản chất của kênh phân phối này.

Tóm lại, bất kể bạn mua bảo hiểm qua kênh nào, từ kênh đại lý, qua ngân hàng cho đến mua qua mạng, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm là như nhau.

Xin cảm ơn ông!

Mỹ Chi

Thanh Niên

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây