Tổng giám đốc điều hành của tập đoàn Generali, ông Philippe Donnet, vừa tuyên bố đã dành riêng một ngân sách tới 4 tỷ euro (4.56 tỷ USD) cho các thương vụ mua bán sát nhập, là một phần của một chiến lược cạnh tranh mới mạnh mẽ nhằm phát triển nhanh hơn nhiều so với các đối thủ lớn của châu Âu.
Ông Donnet ngày hôm qua thứ Tư đã đưa ra cam kết sẽ tăng mức lợi nhuận của tập đoàn bảo hiểm Ý từ 6% đến 8% một năm trong vòng ba năm tới. Con số này vượt xa mức tăng trưởng 4% mà Generali đã đưa ra trong những năm gần đây.
Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận này cũng cao hơn các mục tiêu tăng trưởng mà các công ty bảo hiểm châu Âu khác đặt ra – AXA đã cam kết tăng trưởng từ 3% tới 7%, trong khi Allianz hứa hẹn sẽ tăng trưởng 5%, mặc dù cả hai tập đoàn này sẽ cập nhật kế hoạch tăng trưởng của họ vào tuần tới.
Phát biểu trên kênh truyền hình kinh tế Mỹ Bloomberg, ông Donnet cho biết ông sẽ dành riêng 4 tỷ euro (4.56 tỷ USD) để đầu tư thúc đẩy tăng trưởng, hoặc thông qua phát triển nội tại hoặc thông qua các thương vụ mua bán sát nhập, để giúp ông đạt được mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đầy tham vọng nói trên.
Các mục tiêu thâu tóm của Generali có thể nằm trong thị trường hiện tại hoặc các thị trường mới. “Chúng tôi sẽ xem xét thâu tóm bất kỳ công ty bảo hiểm nào có thể giúp chúng tôi tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường ở các nước châu Âu và bất kỳ công ty bảo hiểm nào sẽ mang lại cho chúng tôi vị trí dẫn đầu trong một thị trường mới,” ông nói.
Tập đoàn bảo hiểm Ý cũng có thể tăng cường các hoạt động quản lý tài sản của mình, là mảng kinh doanh mà Generali đã thâu tóm một loạt các công ty quản lý tài sản chuyên ngành để xây dựng nên một doanh nghiệp mà tập đoàn gọi là “quản lý tài sản đa ngành”. Năm nay, Generali đã mua phần lớn cổ phần của công ty quản lý tài sản Pháp Sycomore Asset Management có trụ sở tại Paris, chuyên về đầu tư trong lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị.
Tuy nhiên, trong một bình luận có ý phê phán đối thủ truyền kiếp là tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA, ông Donnet nói thêm: “Chúng tôi không cần phải vượt ra ngoài phạm vi chuyên môn của chúng tôi, ví dụ như tiến vào thị trường bảo hiểm chuyên biệt hoặc tái bảo hiểm, để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.”
Hồi đầu năm nay, tập đoàn bảo hiểm Pháp AXA đã chi trả 15 tỷ đô la Mỹ để thâu tóm công ty XL Group, một công ty chuyên về bảo hiểm chuyên biệt và tái bảo hiểm, trong một thương vụ đã khiến cho giá cổ phiếu của tập đoàn bảo hiểm Pháp mất tới một phần mười giá trị trên thị trường chứng khoán Paris.
Ông Donnet cho biết ông sẽ xem xét việc mua lại cổ phiếu quỹ chỉ khi nào không còn phương án khác để sử dụng tốt hơn nguồn vốn khổng lồ của Generali, và nói thêm rằng ông tự tin đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của mình, ngay cả khi không cần tiến hành các thương vụ mua bán sát nhập.
Thị trường Châu Âu, nơi Generali tạo ra hầu hết lợi nhuận của mình, sẽ là một nguồn tăng trưởng dự kiến lớn. “Những ai nói rằng thị trường châu Âu đã hoàn toàn bão hòa là sai,” ông Donnet nhận định, và chỉ ra các cơ hội ở khu vực Trung Âu và Đông Âu và các khu vực khác của châu lục: “Châu Âu là một thị trường giàu có của một thế giới đang già đi. Những người già và người giàu có chính là cơ hội kinh doanh tốt cho chúng ta.”
Phần lớn mức tăng trưởng dự kiến sẽ đến từ các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ của Generali, nơi mà ông Donnet có kế hoạch cắt giảm 200 triệu euro về chi phí. Ông cũng hy vọng cắt giảm chi phí lãi vay của tập đoàn bằng cách giảm các khoản nợ.
Trong số các mục tiêu khác mà Generali đặt ra cho giai đoạn 2019 đến năm 2021 là tỷ lệ lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu đạt 11.5%, cao hơn một chút so với tỷ lệ của những năm trước, và tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ lên tới 55-65%.
Tọa sơn quan hổ đấu: Prudential “xoay trục về châu Á”, cùng AIA tranh ngôi bá chủ
Lợi nhuận ròng 9 tháng của Generali tăng 27% lên 2 tỷ USD, vượt xa kỳ vọng của thị trường
Tổn thất được bảo hiểm của các vụ cháy rừng tàn phá kỷ lục ở Mỹ sẽ lên tới 13 tỷ USD
Lê Minh
Theo Bloomberg