Bắc Kinh đã phê duyệt cho công ty bảo hiểm của Đức Allianz được thành lập một công ty bảo hiểm sở hữu toàn bộ tại Thượng Hải vào năm tới – sớm hơn bốn năm so với cam kết đã hứa.

Quyết định chấp thuận này, một dấu hiệu của sự tăng tốc trong việc mở cửa các lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc, đã được đăng trên trang web của Ủy ban Quản lý Giám sát Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) vào ngày Chủ nhật hôm qua.

“Năm nay, CBIRC đã tiếp nối chủ trương của Bắc Kinh trong việc mở rộng các chính sách “mở cửa” đối với các ngân hàng nước ngoài và các công ty bảo hiểm, và chúng tôi đã chấp thuận một số hồ sơ xin cấp phép của các công ty nước ngoài,” theo Ủy ban này cho biết trong thông báo của mình. Ủy ban cũng nói thêm rằng Allianz là công ty bảo hiểm nước ngoài đầu tiên được chấp thuận thành lập một công ty với tỷ lệ sở hữu nắm giữ là 100%.

Bắc Kinh cho biết trong tháng 11 năm ngoái rằng một mức trần giới hạn 49% sở hữu nước ngoài tại các công ty chứng khoán, các công ty kinh doanh quyền chọn tương lai và công ty quản lý quỹ, sẽ được tăng lên 51% trước khi bị loại bỏ trong vòng ba năm, trong khi mức trần đối với các công ty bảo hiểm sẽ được tăng lên 51% trong vòng ba năm từ mức 50%, và sẽ được loại bỏ hoàn toàn trong vòng năm năm.

Allianz từ chối tiết lộ về cách thức mà công ty cổ phần mới này sẽ làm việc với các công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm phi nhân thọ hiện tại của mình tại thị trường Trung Quốc như thế nào. “Chúng tôi sẽ chia sẻ thêm các chi tiết về phương thức mà công ty cổ phần mới sẽ làm việc với một số liên doanh tại đại lục trong quá trình chuẩn bị hoạt động,” theo một phát ngôn viên của Allianz cho biết.

Ông George Sartorel, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Allianz, cho biết: “Trung Quốc là trung tâm của chiến lược tăng trưởng của chúng tôi đối với châu Á. Thay đổi mới này sẽ tạo tiền đề mạnh mẽ cho Allianz để có thể kết hợp chuyên môn toàn cầu của chúng tôi với những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người tiêu dùng và ngành công nghiệp địa phương.”

Có trụ sở tại Munich, Allianz là một trong những tập đoàn bảo hiểm lớn nhất trên thế giới, với 140,000 nhân viên trên toàn cầu. Ở Trung Quốc, tập đoàn có 2,000 nhân viên, bao gồm cả liên doanh bảo hiểm nhân thọ được thành lập năm 1999, trong đó Allianz sở hữu 51% cổ phần và Citic Trust sở hữu 49% cổ phần. Liên doanh này đã đạt doanh thu các hợp đồng khai thác mới của 9 tháng đầu năm 2018 là 426 triệu nhân dân tệ (61.3 triệu đô la Mỹ), chiếm 0.07% thị phần của toàn thị trường và 2.4% thị phần nếu chỉ tính các công ty bảo hiểm nước ngoài, theo CBIRC cho biết.

“Sự chấp thuận thành lập một công ty bảo hiểm thuộc sở hữu toàn bộ của Allianz ở Trung Quốc đã xảy ra nhanh hơn dự đoán của thị trường, khi cơ quan quản lý nhà nước vào năm ngoái cho biết họ sẽ chỉ dỡ bỏ giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Trung Quốc sau 5 năm,” theo ông Chan Kin-por, một nhà lập pháp Hong Kong đại diện cho ngành bảo hiểm, cho biết.  “Đây là tín hiệu tốt cho những công ty bảo hiểm quốc tế muốn khai thác thị trường bảo hiểm đang phát triển nhanh nhất thế giới này.”

Tập đoàn cho biết họ sẽ thành lập Allianz (China) Insurance Holding Company tại Thượng Hải vào năm tới. “Allianz tự hào là công ty bảo hiểm nước ngoài đầu tiên thành lập một công ty cổ phần tại Trung Quốc – một cột mốc quan trọng để chúng tôi mở rộng sự hiện diện của mình trong thị trường chiến lược này,” ông Oliver Bate, giám đốc điều hành của Allianz Group, cho biết trong một tuyên bố.

Ông Oliver Bate, giám đốc điều hành của Allianz Group.

Tập đoàn cũng sở hữu 50% cổ phần của Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ Allianz China, có trụ sở tại Quảng Châu chuyên cung cấp bảo hiểm xe hơi, tài sản, du lịch và bảo hiểm y tế. Công ty có doanh thu hợp đồng khai thác mới đạt 848.64 triệu nhân dân tệ trong chín tháng đầu năm nay, chiếm 0.1 phần trăm thị phần toàn thị trường và 5 phần trăm nếu chỉ tính các công ty bảo hiểm nước ngoài.

Allianz cho biết tập đoàn dự kiến doanh thu phí bảo hiểm ở thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng 14 phần trăm mỗi năm trong thập kỷ tới.

Doanh số hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới tại Trung Quốc đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái trong chín tháng đầu năm 2018, lên 503.32 tỷ nhân dân tệ, theo CBIRC công bố. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu do 56 công ty bảo hiểm nhân thọ trong nước của đại lục mang lại. Trong khi đó, 28 công ty liên doanh bảo hiểm nhân thọ nước ngoài có mặt tại Trung Quốc đã bị giảm sút 35% doanh số trong 9 tháng đầu năm xuống còn 35 tỷ nhân dân tệ.

Ông George Sartorel, Giám đốc điều hành khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Allianz.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cũng chỉ có thị phần kết hợp là 2.8% về doanh thu hợp đồng khai thác mới và 7.2% tổng doanh thu toàn thị trường, tính trong chín tháng đầu năm 2018.

Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cũng trong hoàn cảnh tương tự. 22 liên doanh bảo hiểm nước ngoài chỉ đạt 16.32 tỷ nhân dân tệ về doanh thu phí bảo hiểm trong chín tháng đầu năm nay, chiếm 1.8% thị phần bảo hiểm phi nhân thọ. Trong khi đó, 66 công ty bảo hiểm phi nhân thọ trong nước đạt doanh thu 864.52 tỷ nhân dân tệ, chiếm tới 98.2% toàn thị trường.

Theo ông Chan Kin-por, nhà lập pháp Hồng Kông, cho biết. “Đây sẽ là một trận chiến khó khăn cho các công ty bảo hiểm nước ngoài trên thị trường đại lục, vì có nhiều tay chơi lớn, như China Life và Ping An, đã chiếm được vị trí thống lĩnh trên thị trường.”

Tọa sơn quan hổ đấu: Prudential “xoay trục về châu Á”, cùng AIA tranh ngôi bá chủ

Generali tuyên bố chi 4 tỷ euro (4.56 tỷ USD) cho thương vụ mua bán sát nhập để vượt qua đối thủ

Giám đốc điều hành Allianz vẫn giữ được chức vụ cho đến năm 2024 sau khi gia hạn hợp đồng

Bảo hiểm Ping An của Trung Quốc đầu tư vào startup fintech ở Berlin trong nỗ lực hiện đại hóa ngành công nghiệp dịch vụ tài chính của châu Âu

Lê Minh

Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng

 

 

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây