Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu công an vào cuộc điều tra làm rõ các vụ chìm tàu không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, công ty bảo hiểm thì khốn đốn vì số tiền bồi thường đến vài chục tỷ đồng khiến đơn vị lỗ nặng.
Ngày 7/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu yêu cầu cơ quan công an vào cuộc làm rõ các vụ chìm tàu không rõ nguyên nhân.
“Nếu cơ quan điều tra phát hiện có trường hợp ngư dân cố tình trục lợi chính sách buộc phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tỉnh xử lý rất nghiêm, mới đây UBND tỉnh cũng đã yêu cầu công an vào cuộc điều tra, xử lý nhiều trường hợp ngư dân trục lời tiền hỗ trợ dầu, nhiều người đã phải nhận án tù”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các huyện, thành phố ven biển chung tay phối hợp cùng Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO và các ngân hàng hướng dẫn ngư dân tiếp cận các quy định mua bảo hiểm tàu cá, trả nợ vay cho ngân hàng.
Trong một diễn biến có liên quan, chiều 6/12, UBND tỉnh Bình Định làm việc với đại diện Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc bán bảo hiểm tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 cho ngư dân Bình Định.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tỉnh có 61 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 (trong đó, 48 tàu vỏ thép, 8 tàu composite, 5 tàu vỏ gỗ) và một chủ tàu vay vốn nâng cấp tàu cá vỏ gỗ với tổng số dư nợ hơn 933 tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến nay, Bình Định phê duyệt 4.866 hồ sơ hỗ trợ chính sách bảo hiểm tàu cá, ngư lưới cụ, bảo hiểm thuyền viên cho tàu cá của ngư dân đóng theo Nghị định 67 với số tiền hơn 119 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2019 đến nay, Công ty Bảo hiểm PJICO Bình Định (thuộc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO) không còn bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân Bình Định khiến nhiều chiếc tàu phải ngưng hoạt động.
Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hải – Phó tổng giám đốc Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO – khẳng định: Đơn vị chưa dừng và không có chỉ đạo việc dừng bán bảo hiểm cho ngư dân mà chỉ tạm dừng để rà soát, đánh giá lại. Nguyên nhân chủ yếu là ngư dân Bình Định có nhiều tàu đóng theo Nghị định 67 bị chìm khiến PJICO tổn thất nặng.
“Chỉ riêng tháng 7/2019, dù chưa phải mùa mưa bão nhưng đã liên tiếp xảy ra 7 vụ tổn thất toàn thất toàn bộ do chìm tàu mà chủ yếu không tìm thấy xác tàu để thẩm định rõ nguyên nhân. Tổng thiệt hại cho 7 vụ chìm tàu này lên tới 40 tỷ đồng và có thể gia tăng. Đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng đánh giá, xác định lại giá trị thực tế các con tàu để xác định giá trị bảo hiểm và sớm cấp đơn bán bảo hiểm để ngư dân vươn khơi bám biển” – ông Hải cho hay.
Khoảng 3 tháng nay, nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định “cầu cứu” vì những con tàu vỏ thép trị giá đến hàng chục tỷ đồng phải đang nằm bờ vì công ty bảo hiểm ngừng bán bảo hiểm.
Được biết, lí do công ty bảo hiểm đưa ra là vì rủi ro cao, năm nào cũng thua lỗ, tổn thất lớn. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, nếu công ty bảo hiểm tiếp tục từ chối, nhiều tàu vỏ thép khác cũng sẽ nằm bờ khi hết hạn bảo hiểm vào cuối năm nay.
Myanmar: Giấy phép bảo hiểm chính thức được cấp cho các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài
Gặp khó trong bán bảo hiểm tàu cá, vì sao?
Quảng Bình: Ngư dân dư nợ gần 900 tỷ đồng sau khi vay tiền đóng tàu vỏ thép
Doãn Công