Biên bản tử vong ngoại viện số 22/BB-TV-BV ngày 9.8.2018 của Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành cũng không được Dai-ichi-Life Việt Nam chấp nhận.

Khách hàng cho rằng Dai – Ichi đang làm thay thẩm quyền của tòa án khi không thừa nhận những chứng cứ pháp lý được các cơ quan có thẩm quyền lập, buộc khách hàng phải cung cấp những giấy tờ không thể có được.

Như đã thông tin, bà Phạm Thị Thắm, sinh năm 1977, thường trú tại 147A Khu Phố 4, Phường Vĩnh Thông, thành phố Rạch Giá, Tỉnh Kiên Giang, phản ánh, sau khi chồng chết (ông Nguyễn Phú Sơn), bà đã nộp cho Dai – Ichi đầy đủ hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm tử vong.

Hồ sơ gồm: Bản sao biên bản tử vong ngoại viện số 22/BB-TV-BV ngày 9.8.2018 của BVĐK huyện Châu Thành; Trích lục khai tử số 765/TLKT-BS ngày 13.8. 2018 của UBND Phường Vĩnh Thông; Đơn xác nhận của Công An xã Bình An (Huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) ngày 24.8.2018 về tai nạn điện của ông Sơn; Bản tường trình về việc các cơ quan chức năng không lập hồ sơ tai nạn được công an xã Bình An xác nhận ngày 21.2.1019.

Tuy nhiên, Dai-Ichi lại yêu cầu bà Thắm phải cung cấp các hồ sơ, chứng cứ bao gồm: “Hồ sơ tai nạn của Người được bảo hiểm Nguyễn Phú Sơn do công an điều tra (cấp huyện/tỉnh/trung ương) lập, bao gồm: Biên bản và sơ đồ khám nghiệm hiện trường; Biên bản vụ tai nạn; Biên bản khám nghiệm tử thi; Biên bản giám định pháp y về tử thi; Biên bản kết luận điều tra”.

Bà Thắm bức xúc vì những yêu cầu “vô lý” của Dai – Ichi.

Theo bà Thắm, những tài liệu phía Dai Ichi yêu cầu là các tài liệu hồ sơ của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ lập hồ sơ nói trên khi xét thấy cần thiết và cũng không phải là nghĩa vụ của người dân buộc cơ quan điều tra phải lập hồ sơ đó cho mình.

Gia đình bà Thắm không yêu cầu điều tra về cái chết của chồng bà vì lý do không tranh chấp với ai. Ông Sơn bị điện giật có nhiều nhân chứng và những người này đưa ông Sơn tới bệnh viện. Theo gia đình, đó là cái chết hoàn toàn do tai nạn trong lúc làm việc, ngẫu nhiên, bất ngờ.

Hơn nữa, ngày 21.2.1019, cơ quan Công an xã Bình An (Huyện Châu Thành, Kiên Giang) đã xác nhận việc cơ quan chức năng không lập hồ sơ tai nạn của ông Nguyễn Phú Sơn. Do đó, các hồ sơ nói trên không thể có được.

“Gia đình tôi không có nghĩa vụ phải yêu cầu cơ quan chức năng lập hồ sơ theo những yêu cầu vô lý đó của Dai – Ichi. Việc yêu cầu cung cấp những giấy tờ đó của Dai – Ichi lại diễn ra sau khi chồng tôi đã được chôn cất hơn 2 tuần kể từ ngày xảy ra sự cố là hết sức bất thường và không có tình người” – bà Thắm cho biết.

Mặt khác, theo Hợp đồng bảo hiểm, gia đình bà Thắm không có bất cứ giao kết hay thỏa thuận nào về việc phải nộp các tài liệu/hồ sơ nói trên. “Dai – Ichi nại ra những yêu cầu vô lý nhằm mục đích chối bỏ trách nhiệm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho gia đình tôi”, bà Thắm bức xúc.

Chiều ngày 2.5, sau gần 20 ngày Phóng viên đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc để có thông tin đa chiều, Dai – Ichi mới có phản hồi.

Theo đó, Dai – Ichi đưa ra lý do chưa đồng ý chi trả quyền lợi bảo hiểm bổ sung cho khách hàng là bởi bà Thắm chưa cung cấp được những giấy tờ mà Dai – Ichi yêu cầu (đúng như bà Thắm đã phản ánh – PV).

Dai – Ichi trả lời: “Các tài liệu mà bà Thắm cung cấp như: Đơn xin xác nhận ngày 24.8.2018 của bà Phạm Thị Thắm với sự xác nhận của Công an xã Bình An, Biên bản tử vong ngoại viện số 22/BB-TV-BV ngày 9.8.2018 của Bệnh viện Đa khoa huyện Châu Thành, Trích lục khai tử số 765/TLKT-BS ngày 13.8.2018 của UBND phường Vĩnh Thông… thì tất cả những giấy tờ này chưa đủ cơ sở để xác định nguyên nhân tử vong trực tiếp và duy nhất của ông Nguyễn Phú Sơn là do tai nạn”.

Dai – Ichi không thừa nhận những giấy tờ cơ quan chức năng lập là căn cứ để chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Trao đổi với Dân Việt, ông Trương Minh Cát Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ tư vấn pháp lý bảo hiểm Tila nhận định: “Qua nghiên cứu hồ sơ, nhận thấy Dai – Ichi yêu cầu khách hàng những loại giấy tờ trên đồng nghĩa với việc họ đã bác bỏ toàn bộ chứng cứ pháp lý do chính quyền địa phương lập.

Cụ thể, nhiều văn bản điện tử do Dai – Ichi phát hành gửi đến khách hàng phủ nhận thẩm quyền xác nhận tai nạn của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương, bao gồm: BVĐK Châu Thành; Công an xã Bình An, (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang); UBND Phường Vĩnh Thông (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)… trong việc cấp “khai tử” cho đương sự, trong đó có nội dung chứng nhận nguyên nhân tử vong của nạn nhân là bị điện giật”.

Theo bà Thắm, Dai – Ichi tự cho mình có thẩm quyền tương đương tòa án, bác bỏ toàn bộ các chứng cứ pháp lý mà chính quyền địa phương lập cho đương sự. Bởi nếu công nhận những văn bản được lập đó, Dai – Ichi đã phải tích cực giải quyết quyền lợi bảo hiểm bổ sung cho khách hàng mà không đưa ra những đòi hỏi không có trong điều khoản hợp đồng đã ký kết.

Bé cái nhầm: Các công ty lớn lầm tưởng có hợp đồng bảo hiểm tài sản là có cả bảo hiểm an ninh mạng?

Nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ bộ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt

Đầu tiên, sa thải tất cả các đại lý bảo hiểm: Làm thế nào Lemonade, một startup kỳ lân Fintech được yêu thích bởi thế hệ Millenial, đang phá vỡ hoạt động kinh doanh của ngành bảo hiểm?

Phương Thảo

Theo Dân Việt

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây