Tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản Sompo Holdings đang tăng cường sự hiện diện ở Đông Nam Á, với hy vọng lấp đầy khoảng trống mà các công ty bảo hiểm phương Tây để lại. (Ảnh: Yoshiyuki Tamai/Nikkei)

TOKYO – Tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản Sompo Holdings đã khởi sự một cú hích lớn để tiến vào thị trường bán lẻ khổng lồ của Đông Nam Á, khi các đối thủ phương Tây như AIG của Mỹ và Tập đoàn Bảo hiểm Úc IAG đang ồ ạt rút lui.

Chiến lược của Sompo tập trung vào phân khúc kinh doanh bán lẻ ở châu Á tương phản với các công ty cùng ngành bảo hiểm của Nhật Bản – Tokio Marine Holdings và MS&AD – chuyên tập trung vào phân khúc doanh nghiệp thương mại, ví dụ như bảo hiểm cho các nhà máy, tòa nhà và hàng hóa vận chuyển hàng hải. Việc nâng cao nhận diện thương hiệu của mình sẽ là chìa khóa để Sompo thành công trong thị trường bán lẻ đang bị thống trị bởi những đối thủ địa phương.

Chiến dịch thâm nhập thị trường của Sompo được kích hoạt trong bối cảnh các công ty bảo hiểm phương Tây đang ồ ạt rút khỏi châu Á, tạo ra một cơ hội cho các dịch vụ tài chính của Nhật Bản.

Trong hai năm qua, Tập đoàn Bảo hiểm Australia IAG, công ty bảo hiểm lớn nhất của Úc, đã bán lại hoạt động kinh doanh tại Thái Lan và Indonesia cho Tokio Marine và đang đàm phán để bán liên doanh ở Ấn Độ. Công ty bảo hiểm số 2 của Úc là QBE cũng đã bán đơn vị kinh doanh tại Indonesia của mình cho công ty bảo hiểm Great Eastern của Singapore vào năm ngoái.

Trong khi đó, tập đoàn bảo hiểm AIG của Mỹ đã thoái vốn khỏi Công ty Bảo hiểm Nhân dân Trung Quốc (PICC) vào tháng Hai đầu năm, trong khi tập đoàn bảo hiểm Aviva của Anh cũng đang cân nhắc một phương án để rút khỏi thị trường bảo hiểm Châu Á.

Điều này tạo ra một cơ hội cho những tay chơi toàn cầu đầy tham vọng, giống như Sompo, với mục tiêu trở thành một công ty bảo hiểm bán lẻ hàng đầu ở châu Á. Hoạt động kinh doanh tại châu Á của Sompo bao gồm 70% là bảo hiểm thương mại doanh nghiệp và 30% là bảo hiểm bán lẻ. Trong 10 năm tới, công ty muốn đảo ngược tỷ lệ này.

“Châu Á là tất cả những hoạt động kinh doanh về con người,” ông Daniel Neo, CEO của Sompo Holdings (Châu Á), nói về dân số đông đảo trong khu vực. “Chúng tôi muốn trở thành một phần của cuộc sống của mọi người trên khắp châu Á … Chúng tôi thực sự phải đưa thương hiệu Sompo vào tâm trí của tất cả người tiêu dùng ở châu Á.”

Giám đốc điều hành Sompo Holdings (Châu Á) Daniel Neo muốn biến công ty của mình thành một cái tên quen thuộc ở Đông Nam Á. (Ảnh: Mitsuru Obe/Nikkei)

Trong năm tài chính 2018, khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã tạo ra 3.7 tỷ yên (34 triệu đô la Mỹ) lợi nhuận ròng cho công ty. Sompo đặt mục tiêu nâng mức đó lên 10 tỷ yên trong năm tài chính 2023.

Tốc độ và khả năng cạnh tranh về chi phí sẽ là chìa khóa thành công ở các thị trường bảo hiểm kém phát triển, như Ấn Độ và Indonesia, nơi mà ông Neo xác định là có tiềm năng nhất. Công nghệ được xem là một câu trả lời cho những thách thức này.

Trong phân khúc bảo hiểm du lịch, trong đó Sompo đặt mục tiêu trở thành công ty số 1 ở Đông Nam Á từ vị trí thứ 6 hiện tại, nhiều sản phẩm và hầu hết các khiếu nại bồi thường đã được xử lý trực tuyến.

Công ty cũng đang làm việc với Tổ chức Nghiên cứu Quốc gia Singapore để phát triển một công nghệ có thể tách các yêu cầu bồi thường đơn giản khỏi các yêu cầu bồi thường phức tạp. Điều này sẽ cho phép thanh toán nhanh chóng đối với các yêu cầu đơn giản, để các đại lý bảo hiểm có thể tập trung vào các trường hợp khó khăn hơn. Yêu cầu bồi thường của bảo hiểm du lịch có xu hướng nhỏ về giá trị nhưng lớn về số lượng.

Trí tuệ nhân tạo cũng được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động tại trung tâm cuộc gọi của công ty. Công nghệ này phân tích các cuộc hội thoại với khách hàng và đề xuất câu trả lời trên màn hình cho các nhân viên dịch vụ khách hàng của Sompo.

Sompo cũng đang tìm cách hợp tác với các nền tảng trực tuyến lớn, như Grab của Singapore và Gojek của Indonesia.

“Tôi thấy họ không phải là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác,” ông Neo nói, lưu ý rằng các nền tảng như vậy không có giấy phép bảo hiểm cũng như bảng cân đối tài sản lớn để hỗ trợ cho các hoạt động dịch vụ tài chính. “Chúng tôi phải tìm cách sử dụng họ như một phần của hệ sinh thái để phân phối sản phẩm của mình cho khách hàng,” ông nói.

Sompo đã có một quan hệ đối tác như vậy ở Indonesia. Công ty đã hợp tác với nền tảng bán lẻ trực tuyến Bukalapak và bán được ba triệu hợp đồng bảo hiểm vận chuyển chỉ trong ba tháng, thu hút được một triệu khách hàng mới.

Công ty cũng đang tìm cách tăng cường sự hiện diện trong phân khúc bảo hiểm ô tô bằng cách hợp tác với các nhà phân phối xe hơi Nhật Bản hiện đang thống trị thị trường xe hơi trong khu vực, và bằng cách cung cấp các sản phẩm cho khách hàng vay mua ô tô từ ngân hàng đối tác CIMB Group Holdings của Malaysia.

“Chúng tôi đang suy nghĩ nhiều hơn về cách thức phát triển tại địa phương. Chúng tôi không thể chỉ phục vụ khách hàng doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi phải suy nghĩ về việc phục vụ người Indonesia, Singapore và Malaysia,” ôngNeo nói. “Chúng tôi là một công ty toàn cầu.”

Nhật Bản: Hiệp hội bảo hiểm Nhật Bản ước tính các yêu cầu bồi thường cho siêu bão Faxai đã lên tới khoảng 2.8 tỷ đô la Mỹ

Thái Lan: Thị trường bảo hiểm xe cơ giới bị lỗ trong 5 năm liên tiếp

Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng: Tăng trưởng cùng nhu cầu thị trường

Lê Minh

Theo Nikkei Asian Review

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây