Có hay không tình trạng cố tình tạo “rào cản” để các DN bảo hiểm trong nước không thể tiếp cận bình đẳng gói thầu của PV Gas? Có hay không việc “chỉ định thầu” hết sức tinh vi của Ban QLDAKĐNB- PV Gas?

Gói thầu bảo hiểm công trình chỉ có giá trị hơn 314 tỷ đồng nhưng Ban quản lý Dự án khí Đông Nam Bộ (Ban QLDAKĐNB – thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas) lại lựa chọn hình thức đấu thầu quốc tế vì cho rằng, các nhà bảo hiểm trong nước không đủ năng lực. Một số nhà thầu bảo hiểm phản ứng cho rằng, Ban QLDAKĐNB đã vi phạm các điều luật khi tạo rào cản nhằm loại họ ra khỏi cuộc chơi.

Liên quan đến hồ sơ mời thầu gói thầu “bảo hiểm công trình thuộc Dự án đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh” phát hành ngày 16 tháng 8 năm 2019, nhiều nhà thầu bảo hiểm trong nước đã có kiến nghị không đồng tình với Ban quản lý Dự án khí Đông Nam Bộ (Ban QLDAKĐNB) vì lựa chọn hình thức đấu thầu quốc tế.

Ngày 05/11/2019, QLDAKĐNB có văn bản 829/ĐNB-KHTM gửi nhà thầu giải thích rằng: Lý do Ban QLDA KĐNB chọn hình thức đấu thầu “rộng rãi quốc tế” vì: Nếu lựa chọn hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước thì chỉ có bảo hiểm PVI là đáp ứng được yêu cầu về kinh nghiệm hợp đồng; còn ngược lại (đấu thầu quốc tế), chủ đầu tư có thể lựa chọn được giá chào thầu trực tiếp, chính xác nhất từ các nhà tái bảo hiểm, đồng thời, các nhà thầu trong nước vẫn có thể tham gia và được hưởng ưu đãi trong lừa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu.

Phản ứng lại giải thích của Ban QLDAKĐNB, một số nhà thầu cho rằng: Các nội dung quy định của pháp luật như: Khoản 2, Điều 42, Nghị định số 73/2016/NĐ-CP “Mức trách nhiệm giữ lại tối đa trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ không quá 10% vốn chủ sở hữu”; Khoản c, Điều 15, Luật Đấu thầu quy định “Việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu chỉ được thực hiện khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây: …c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu”.

Văn bản Ban QLDAKĐNB gửi nhà thầu.

Tại Mục 2, Chương III, Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT ngày 29/06/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu dịch vụ phi tư vấn (Thông tư 14): “Nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự, là “hợp đồng có tính chất tương tự với gói thầu đang xét, có giá hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá gói thầu đang xét… Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá của hợp đồng tương tự trong khoảng 50%”.

Khoản 35, Điều 4, Luật Đấu thầu quy định: “Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Nhà thầu chính có thể là nhà thầu độc lập hoặc thành viên của nhà thầu liên danh”.

Khoản 2, Điều 4, Luật Đấu thầu quy định: “Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế”.

Ngoài ra, căn cứ vào Khoản 1, Điều 65, Luật Đấu thầu; Điều 27, Luật Kinh doanh bảo hiểm; Khoản 6, Điều 3, Thông tư 50/2017/TT-BTC ngày 15/05/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định 73 (Thông tư 50); Khoản 2, Điều 90, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, một số nhà thầu cho rằng: Nếu Ban QLDAKĐNB coi đấu thầu tái bảo hiểm là đấu thầu quốc tế, thì nhà tái bảo hiểm trúng thầu phải ký hợp đồng trực tiếp với Ban QLDAKĐNB.

Tuy nhiên, thông lệ quốc tế cũng như thực tế triển khai, nhà tái bảo hiểm cho dự án lớn thường có sự tham gia của nhiều công ty tái bảo hiểm. Trong đó, công ty được gọi là nhà tái “Leader” (thường chiụ trách nhiệm cho 15% số tiền bảo hiểm), các nhà tái bảo hiểm còn lại chịu trách nhiệm cho tỷ lệ còn được gọi là các nhà tái “Folowers”.

Cũng theo thông lệ thị trường bảo hiểm quốc tế, chỉ có nhà tái “Leader” ra đơn chuẩn (quy định điều kiện, điều khoản và phí bảo hiểm chuẩn) và các nhà tái “Folowers” thực hiện theo.

Vậy, nếu Ban QLDA ĐNB ký hợp đồng với nhà tái bảo hiểm trúng thầu thì sẽ ký với nhà tái nào? Nhà tái Leader, hay nhà tái Leader và các nhà Folowers, hay tất cả cả các nhà tái và nhà cấp đơn gốc, hay chỉ là nhà bảo hiểm cấp đơn gốc?

Trường hợp ký hợp đồng với nhà bảo hiểm gốc trong nước là vi phạm Khoản 35, Điều 4, Luật Đấu thầu.

Trường hợp ký hợp đồng với nhà tái Leader hoặc với tất cả các nhà tái là vi phạm Khoản 2, Điều 90, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Điều 27, Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trường hợp Ban QLDAKĐNB ký hợp đồng với tất cả các nhà tái bảo hiểm và nhà bảo hiểm gốc được chỉ định theo HSMT là vi phạm Khoản 35, Điều 4, Luật Đấu thầu.

Khoản 2, Điều 90, Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm: “Đối tượng sử dụng dịch vụ bảo hiểm cung cấp qua biên giới là doanh nghiệp đã thành lập ở Việt Nam có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam”. Theo quy định này, để có thể sử dụng dịch vụ bảo hiểm do nhà thầu nước ngoài cung cấp thì PV Gas phải có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 49% vốn điều lệ (?!).

Cũng tại văn bản 829, BQLDAKĐNB (PV Gas) cho rằng: Năng lực và kinh nghiệm của các nhà thầu trong nước không đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu… Hầu như không có công ty bảo hiểm nào trong nước đạt tiêu chí quy định tại Mục 2, Chương 3, Thông tư 14…

Về việc này, nhà thầu bảo hiểm cho rằng, để kết luận các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước không có đủ năng lực mà bỏ qua quy định tại Mục 2, Chương III, Thông tư số 14 quy định: “Đối với các công việc đặc thù hoặc ở các địa phương mà năng lực của nhà thầu trên địa bàn còn hạn chế, có thể yêu cầu giá của hợp đồng tương tự trong khoảng 50%” là một sai sót cơ bản của Ban QLDAKĐNB.

Đồng thời, Ban QLDAKĐNB hiểu về mức trách nhiệm giữ lại theo Khoản 2, Điều 42, Nghị định 73/2016/NĐ-CP là sai cơ bản, can thiệp vào hoạt động kinh doanh của công ty bảo hiểm.

Cũng theo cách lý giải tại công văn số 829 thì các Công ty bảo hiểm trong nước không được nhận các dịch vụ bảo hiểm có số tiền bảo hiểm vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của mình và ở đây đơn vị lớn nhất là Tổng Công ty bảo hiểm Bảo cũng chỉ tham gia được các dịch vụ bảo hiểm có số tiền bảo hiểm dưới 278 tỷ đồng.

Hay nói các khác, theo như Ban QLDAKĐNB thì các dịch vụ bảo hiểm trong nước có số tiền lớn hơn 278 tỷ đồng là phải tổ chức đấu thầu quốc tế. Trong khi đó, đây là một số tiền rất nhỏ so với các dự án đang triển khai tại Việt Nam.

Theo các nhà thầu, trong HSMT của Ban QLDAKĐNB đã đưa ra những tiêu chí nhằm làm “hạn chế” sự tham dự của nhà thầu trong nước (theo như Ban QLDA chỉ có PVI là đáp ứng).

Ngoài ra, đây là gói thầu bảo hiểm công trình để lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm công trình trong thời gian xây dựng nhưng trong nội dung của HSMT lại đưa ra để lựa chọn nhà tái bảo hiểm. Sau đó, nhà tái này lại chỉ định Công ty bảo hiểm trong nước cung cấp dịch vụ và ký hợp đồng với chủ đầu tư là sai về bản chất của gói thầu vi pham cả Luật Đấu thầu và Luật KDBH.

Có hay không tình trạng cố tình tạo “rào cản” để các DN bảo hiểm trong nước không thể tiếp cận bình đẳng gói thầu của PV Gas? Có hay không việc “chỉ định thầu” hết sức tinh vi của Ban QLDAKĐNB- PV Gas?

Từ những lý do trên, để đảm bảo cho việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu này tuân thủ đúng Luật Đấu thầu và Luật Kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo cạnh tranh công bằng, minh bạch và hiệu quả thì chủ đầu tư cần thay đổi hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế (lựa chọn nhà thầu là nhà tái bảo hiểm) sang hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu là công ty bảo hiểm gốc.

Tàu vỏ thép hàng chục tỷ đồng của ngư dân Bình Định bị chìm “bí ẩn”

Luật tiếp tục mở đường cho bảo hiểm sức khỏe

Gói thầu bảo hiểm hơn 314 tỷ đồng của PVGas gây khó các nhà bảo hiểm trong nước?

Tuấn Nguyễn

Theo VnMedia

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây