Phân khúc bảo hiểm sức khỏe cả cá nhân và nhóm đang tăng trưởng tốt, dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Thống kê sơ bộ từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe của toàn thị trường từ đầu năm đến nay tăng khoảng 30%; đối với khối phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đang chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng doanh thu.
Cùng với nhu cầu bảo hiểm của thị trường tăng lên thì Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 và Nghị định 73/2016/NÐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm 2019 và Nghị định 80/2019/NÐ-CP, cả hai văn bản mới có hiệu lực từ ngày 1/11/2019 đã mở đường cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phát triển sang mảng bảo hiểm sức khoẻ để phục vụ tốt hơn nhu cầu bảo hiểm thiết yếu của người dân.
Trước đó, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chỉ được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp dưới dạng quyền lợi bảo hiểm bổ trợ đính kèm với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Nhưng hiện tại, sản phẩm bảo hiểm sức khỏe đang được triển khai đồng thời trong cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, trong đó bao gồm các loại nghiệp vụ: bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm chi phí y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
“Thị trường bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn với sự nhận biết cũng như nhu cầu ngày càng cao của người dân khi đời sống được nâng cao. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bảo hiểm PVI đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng và cung cấp các chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đa dạng, linh hoạt và phù hợp với mọi đối tượng khách hàng”, đại diện PVI cho biết.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, các giải pháp để phát triển sản phẩm bảo hiểm sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại hiện nay là rất bức thiết.
Chính vì thế, từ hệ thống pháp lý đến điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc y tế trong xã hội và tình hình sức khỏe chung trong dân số, tất cả cần phải có sự nghiên cứu tổng thể để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển loại sản phẩm này.
Nhìn nhận nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe sẽ bùng nổ, trong thời gian vừa qua, hầu hết công ty bảo hiểm đều có những chiến lược mới trong phân khúc bảo hiểm sức khỏe này như thiết kế sản phẩm đơn giản, phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh/điều trị của người dân; mở rộng phạm vi bảo hiểm, không chỉ giới hạn tại các hệ thống bệnh viện, trung tâm, cơ sở khám chữa bệnh trong nước, mà còn hỗ trợ người tham gia bảo hiểm tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh tiên tiến trên thế giới; phối hợp tích cực với hệ thống bệnh viện, trung tâm, cơ sở khám chữa bệnh để hỗ trợ nhanh chóng kịp thời về tài chính cho người được bảo hiểm khi rủi ro xảy ra…
Tuy nhiên, để phân khúc này phát triển tốt hơn, hạn chế rủi ro, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho rằng, cần phải có nguồn dữ liệu thống kê rủi ro danh sách bệnh với mức độ nghiêm trọng để cung cấp xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho toàn thị trường.
“Việc xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin thống kê về danh sách các bệnh và khả năng mắc bệnh, tốc độ lây lan, mức độ nghiêm trọng, giải pháp chữa trị… làm cơ sở hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế sản phẩm và phục vụ công tác thẩm định là yêu cầu cần kíp để bảo hiểm sức khỏe phát triển”, đại diện doanh nghiệp bảo hiểm trên nói.
Công việc trên cần được tiến hành song song với việc xây dựng số liệu thống kê tình hình xu hướng rủi ro về bệnh tật, chi phí, giải pháp khám chữa bệnh trong khu vực và thế giới; kết nối với Bộ Y tế, Bộ Công thương, trao đổi dữ liệu thông tin, thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống bệnh viện, trung tâm, cơ sở khám chữa bệnh và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thẩm định và thực hiện chi trả chi phí cho bệnh nhân/người thăm khám…
Tại Diễn đàn Vietnam Insurance Summit 2019 được tổ chức mới đây ở TP.HCM, ông Ngô Việt Trung, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chia sẻ, việc kết nối giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại, triển khai dự án hệ thống thông tin nhằm hệ thống hóa một cách đồng bộ toàn diện toàn bộ dữ liệu ngành bảo hiểm, vừa phục vụ công tác quản lý giám sát vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm thuần, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời bắt kịp với xu hướng cách mạng công nghệ 4.0… cũng là những chiến lược quan trọng của ngành tài chính để đạt được mụa tiêu đến năm 2020 có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15%, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 là 3% và đến năm 2025 là 3,5%.
Bảo hiểm “sợ” lỗ, hàng chục tàu vỏ thép nằm bờ đến bao giờ?
Bốn rủi ro địa chính trị có thể làm tê liệt bảo hiểm hàng hải, báo cáo mới nhất của IUMI
Ngọc Lan