Thị trường bảo hiểm Trung Quốc từ lâu đã được coi là một trong những thị trường có tiềm năng to lớn, cả do sự hạn chế phổ biến của các sản phẩm bảo hiểm và nhu cầu ngày càng tăng nhanh đối với các dịch vụ tài chính mới từ tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Ảnh: Alamy.

Các ông chủ bảo hiểm phương Tây rất phấn khích khi nói về tiềm năng phát triển to lớn ở Trung Quốc. Người đứng đầu châu Á của Prudential nói rằng Trung Quốc sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất của họ. . . trong nhiều năm tới.” Giám đốc điều hành của Allianz ca ngợi Trung Quốc là một thị trường chiến lược của tập đoàn.

Với quy mô lớn của dân số Trung Quốc và tỷ lệ người có bảo hiểm tương đối thấp, sự phấn khích này là điều dễ hiểu. Chẳng hạn, chỉ có 114 triệu người Trung Quốc có bảo hiểm nhân thọ, trong tổng số 1.4 tỷ người.

Và giờ đây các công ty bảo hiểm nước ngoài đang chuẩn bị cho một cú hích lớn ở Trung Quốc, hy vọng sẽ sử dụng cơ hội nới lỏng các quy tắc sở hữu nước ngoài được chờ đợi từ lâu như một bàn đạp để chiếm lĩnh thị trường.

Nhưng các tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn đã phải rất vất vả để tăng cường sự hiện diện của họ trong cuộc cạnh tranh với những người khổng lồ trong nước. Mặc dù đã hoạt động ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, thị phần kết hợp của các công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn chỉ ở mức dưới 5%.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng những đội quân đại lý bảo hiểm khổng lồ và các quy định chặt chẽ của địa phương tại Trung Quốc có thể sẽ kìm hãm bước tiến của các doanh nghiệp bảo hiểm toàn cầu.

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2003, Trung Quốc đã chịu áp lực phải mở cửa ngành dịch vụ tài chính cho các công ty nước ngoài. Những thay đổi đã đến từ từ, và Bắc Kinh đã bị buộc tội đưa ra miếng mồi hấp dẫn về triển vọng được nắm tỷ lệ kiểm soát lớn hơn để thu hút một số ngân hàng và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, trong khi đồng thời lại trốn tránh những cải cách thực sự cần thiết.

Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ AXA của Pháp vừa tiến hành mua lại 50% cổ phần của liên doanh AXA Tianping ở Trung Quốc, trong một thương vụ trị giá tới 584 triệu euro.

Các công ty bảo hiểm nước ngoài là một trong những tập đoàn tài chính quốc tế đầu tiên được phép hoạt động ở trong nước, bắt đầu từ giữa những năm 1990 khi Manulife ra mắt liên doanh với tập đoàn hóa chất Sinochem. Hầu hết các công ty bảo hiểm nước ngoài đã được cho phép sở hữu tỷ lệ 50%, tuy nhiên các cải cách quan trọng khác phần lớn đã bị đình trệ.

Trong một động thái được coi là một bước đột phá trong năm nay, các nhà lãnh đạo hàng đầu đã đưa ra thời gian biểu và điều kiện cho phép các công ty chứng khoán, quản lý tài sản, ngân hàng và bảo hiểm nước ngoài được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình trong liên doanh và trong một số trường hợp, được kiểm soát hoàn toàn.

Các công ty bảo hiểm ở nước ngoài đã rất quan tâm chú ý. Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Axa của Pháp đã mua 50% còn lại của liên doanh Axa Tianping tại Trung Quốc mà họ chưa sở hữu, trong một thỏa thuận được thừa nhận là đầu tiên trong ngành công nghiệp bảo hiểm ở Trung Quốc. Trong khi đó, tập đoàn bảo hiểm Allianz của Đức đã giành được sự chấp thuận để thành lập một công ty trong nước nắm giữ cổ phần, hoàn toàn thuộc sở hữu của tập đoàn.

Những thay đổi này đã diễn ra trước một vài năm so với mốc thời gian được đặt ra vào tháng Tư vừa qua, một dấu hiệu Trung Quốc đang chịu áp lực phải thể hiện những thay đổi thực sự trong cách đối xử với các tập đoàn tài chính nước ngoài.

“Giới lãnh đạo Trung Quốc đã cố trì hoãn trong một thời gian dài, và bây giờ đã quyết định mở cửa,” theo ông Oliver Oliver Bäte, giám đốc điều hành Allianz, cho biết tại một hội nghị các nhà đầu tư diễn ra gần đây.

Các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài khác đã bày tỏ sự quan tâm đến khả năng tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của họ. Ông Philippe Donnet, giám đốc điều hành của Generali, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Financial Times: “Chúng tôi muốn sở hữu một tỷ lệ cổ phần lớn hơn trong liên doanh của chúng tôi ở Trung Quốc, nhưng điều đó phải phù hợp về pháp lý và chúng tôi cần có sự đồng ý hoàn toàn từ phía đối tác của chúng tôi.”

Ông Philippe Donnet, giám đốc điều hành của Generali.

Tập đoàn bảo hiểm Prudential có trụ sở tại Vương quốc Anh cũng muốn tăng tỷ lệ cổ phần của mình trong hai liên doanh ở Trung Quốc lên trên 50%, coi Trung Quốc là một trong những động lực lớn cho sự phát triển của họ ở châu Á. Vào tháng 9, họ đã ký một thỏa thuận với chính phủ để giúp phát triển hệ thống lương hưu của đất nước này.

Thị trường bảo hiểm Trung Quốc từ lâu đã được coi là một trong những tiềm năng to lớn, cả do sự hạn chế phổ biến của các sản phẩm bảo hiểm và nhu cầu ngày càng tăng nhanh đối với các dịch vụ tài chính mới từ tầng lớp trung lưu đang ngày càng gia tăng.

Mật độ bảo hiểm, hoặc doanh thu phí bảo hiểm bình quân đầu người, chỉ đạt 345 USD trong năm 2016, và tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm – thước đo phí bảo hiểm theo tỷ lệ GDP – là 4.2 phần trăm trong năm 2016, theo báo cáo năm 2018 từ các chuyên gia tư vấn PwC. Đó chỉ bằng khoảng một nửa tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2017, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ở Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm khoảng 23%, đạt 330 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017. Trong khi xuất phát từ một mức cơ sở ban đầu thấp, tổng doanh thu phí bảo hiểm y tế đã tăng hơn 40% mỗi năm, lên tới 68 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017.

Bằng cách sở hữu toàn bộ các đơn vị kinh doanh tại Trung Quốc của họ, các công ty bảo hiểm nước ngoài sẽ có thể tập trung khai thác các thị trường tiềm năng nói trên. Nhưng các chuyên gia phân tích và tư vấn cho rằng việc đó nói thì dễ, nhưng làm mới khó.

Các công ty bảo hiểm Trung Quốc hiện có cơ sở đội ngũ các đại lý lớn nhất thế giới, một lực lượng sẽ có thể đẩy lùi sự xâm lấn của những đối thủ mới tham gia vào thị trường. Ví dụ tập đoàn bảo hiểm nhân thọ China Life có tới khoảng 2 triệu đại lý bảo hiểm. Tập đoàn Ping An có hơn 1 triệu đại lý.

“Tôi không tin rằng sẽ có một sự tăng giá lớn về cổ phiếu – các công ty Trung Quốc đã tính toán khá kỹ,” theo bà Linda Sun-Mattison, một chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán Bernstein, cho biết. “Để phát triển thì cần phải có kênh phân phối – cần có nhân lực. Thật khó để thu hút được các đại lý bảo hiểm, và phải mất thời gian để đào tạo họ.”

Bà nói thêm: “Việc nâng mức trần quyền sở hữu nước ngoài có thể có ích cho các công ty bảo hiểm nước ngoài nếu họ sẵn sàng bỏ vốn đầu tư.”

Các nhà điều hành đã lập luận rằng chiến lược cho các công ty nước ngoài không phải là tiến hành một cuộc chiến toàn diện với cạnh tranh trong nước. Thay vào đó, họ sẽ cần nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực sức mạnh cụ thể.

Ông Gordon Watson, giám đốc điều hành châu Á của Axa, cho biết: “Lĩnh vực mà chúng tôi thực sự quan tâm là về mặt sức khỏe. Chúng tôi nghĩ rằng sự đổi mới về sức khỏe sẽ thực sự thay đổi thị trường. Chúng tôi là công ty bảo hiểm y tế lớn nhất ngoài Hoa Kỳ, vì vậy chúng tôi có ưu thế về mặt chuyên môn.

Chúng tôi không muốn trở thành công ty bảo hiểm lớn nhất ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi muốn theo đuổi các phân khúc có ý nghĩa đối với chúng tôi.”

Ông Gordon Watson, giám đốc điều hành châu Á của Axa.

Cho phép các công ty bảo hiểm nước ngoài sở hữu 100 phần trăm sẽ không loại bỏ được nhiều rào cản pháp lý khác mà họ gặp phải, cụ thể là cần được phê duyệt để mở rộng trên các tỉnh khác nhau. Cơ quan quản lý bảo hiểm tỉnh phải cấp phép cho các công ty, trước khi họ có thể mở rộng hoạt động.

Tập đoàn AIA có trụ sở tại Hồng Kông đã nắm giữ 100% đơn vị hoạt động kinh doanh tại nước này trong nhiều thập kỷ, một sự bất thường được cho là do nguồn gốc ban đầu của tập đoàn này ở Trung Quốc gần một thế kỷ trước. Tuy nhiên, AIA chỉ có thể hoạt động ở hai tỉnh và bốn thành phố.

“Chính phủ có thể sử dụng các công cụ khác để kiểm soát, ví dụ như yêu cầu phải có sự phê duyệt mở chi nhánh tại các tỉnh,” ông Sam Radwan, giám đốc của Enhance International, một công ty chuyên tư vấn cho các công ty bảo hiểm Trung Quốc, cho biết. “Nếu tôi là một công ty bảo hiểm nước ngoài, tôi sẽ không vội vã khui sâm banh ngay từ bây giờ.”

Người giàu Trung Quốc đang thúc đẩy sự phát triển của ngành bảo hiểm sức khỏe trị giá 78 tỷ USD

Bà Rịa – Vũng Tàu: Tàu 67 nằm bờ vì “vướng” bảo hiểm

Kỹ sư Nhật Bản từ chối bảo hiểm quốc tế, chữa ung thư trực tràng tại BV Việt Nam

Lê Minh

Theo Financial Times

 

 

 

BÌNH LUẬN

Mời bạn tham gia bình luận
Điền tên của bạn ở đây